Bản Để In

20 ngày tiếp 7 đoàn kiểm tra: DN mệt mỏi

(Chinhphu.vn) – Nhiều khó khăn, vướng mắc được các doanh nghiệp (DN) nêu ra với đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

04/19/2018 11:32
Đại diện doanh nghiệp tại buổi tọa đàm.

Tại tọa đàm lấy ý kiến DN về điều kiện kinh doanh do Bộ NN&PTNT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 18/4, ông Nguyễn Khánh Trình, hiện đang là CEO của một chuỗi thực phẩm sạch, kể: “Trong 20 ngày vừa qua, tôi đã tiếp khoảng 7 đoàn thanh, kiểm tra. Chúng tôi phải lập một bộ phận tiếp đón riêng gồm ba người”.

Theo ông Trình, quỹ tiền lương cho 3 người này khoảng 30 triệu đồng/tháng, công việc chủ yếu chỉ là in giấy tờ, gọi điện trước để chuẩn bị tiếp đón đoàn thanh tra cho chu đáo.

"Tôi cũng vui vẻ thôi nhưng có nhiều anh chị trong đoàn thanh tra yêu cầu khi xuống làm việc phải có mặt tôi. Trong công ty, nhân viên thấy nhiều anh chị thanh tra đến mặt đằng đằng sát khí, đi xe bật còi hú nên rất ngại và nhiều khi tôi cũng phải tiếp vì tôi là người nhiều tuổi nhất công ty. Tôi phải động viên mọi người rằng mình có thể thiếu 1-2 tờ giấy in báo cáo nhưng không làm gì sai thì không phải ngại và có vấn đề gì thì tôi luôn ở đây và chịu trách nhiệm. Tôi thấy hành vi đó không sạch, ảnh hưởng đến hoạt động của DN và không biết những yêu cầu như vậy có đúng quy định trong các văn bản pháp quy hay không"- ông Nguyễn Khánh Trình tỏ ra bức xúc.

Theo ông Trình, DN này đang có muốn phát triển mạnh chuỗ cửa hàng và cơ quan quản lý nên tạo điều kiện cho DN phát triển thay vì gây khó khăn.

"Hàng ngày có nhan nhản những cặp vợ chồng đèo nhau bằng xe gắn máy, ngồi trên con heo chở từ nông thôn về thành phố xả thịt bán ngay trước cửa thềm nhà phố mà không có bất kỳ sự kiểm dịch nào trong khi cửa hàng cửa hiệu kinh doanh nghiêm chỉnh thì lại khổ sở vì bị kiểm tra. 3 tháng gần đây, không thể chịu được nữa nên tôi mới nhận lời tham gia những hội thảo về pháp lý để tranh thủ nói lên tiếng nói của mình thay cho những người thấp cổ bé họng để các cơ quan biết về nỗi khổ chúng tôi đang phải gánh chịu"- ông Trình bày tỏ.

Cùng nỗi khổ, bà Trịnh Tú Anh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Đô cho biết: “Bất kể ai, lực lượng nào cũng có thể vào DN kiểm tra được”. Dù đồng tình quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường là cần thiết nhưng bà Tú Anh khẳng định: “Họ đi kiểm tra kiểu như thế làm DN rất bực bội, mệt mỏi”.

Bà Tú Anh còn đưa ra ví dụ cụ thể là các lực lượng kiểm tra hầu như đều chú ý vào tem, nhãn và truy hỏi tại sao không có nhãn tiếng Việt. “Chai thuốc bé tí mà bắt in hướng dẫn dài cả trang thì in làm sao? Cái gì đơn giản được thì đơn giản đi” - bà Tú Anh nói.

Thủ tục nhiêu khê

Ông Lê Hồng Nhu, Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, tỏ ra bức xúc vì có nhiều điều ông đã phát biểu tới bốn lần mà vẫn không được chấp nhận.

“Luật nói khi công nhận giống cây trồng thì chỉ cần lập một hội đồng nhưng hướng dẫn thì lại bảo phải lập bốn hội đồng. Luật quy định có giống mới thì sản xuất thử hai lần nhưng hướng dẫn bảo phải ba lần. Luật không quy định diện tích nhưng hướng dẫn thì bắt diện tích vườn ươm hàng chục, hàng trăm hecta” - ông Nhu liệt kê và nói nếu đợt tới sửa Luật Trồng trọt mà những điều này không sửa, ông sẽ kiến nghị lên Quốc hội.

Cũng theo ông Nhu, dự thảo Luật Trồng trọt yêu cầu tất cả các giống cây trồng đều phải được công bố thì mới được đưa vào sản xuất. "Theo tôi hiện có đến hàng vạn loại giống trên thực tế, vậy ai sẽ công bố cho nông dân để họ đưa vào sản xuất? Tôi cho rằng quy định này không hợp lý, không khả thi", ông nói.

Ông Lê Hồng Nhu cũng cho rằng trong tổng số 131 điều kiện kinh doanh mà Bộ NN&PTNT dự kiến cắt giảm, sửa đổi, nhiều nội dung mới chỉ là lược bỏ các từ ngữ chung chung như: “theo pháp luật”, “hợp lý”, “có điều kiện rõ ràng”… hay đưa ra những dẫn chiếu không cụ thể đến nhưng văn bản luật khác… chứ chưa phải là cắt giảm cụ thể.

Đại diện Hiệp hội Hóa chất nông nghiệp thì cho rằng: Chính phủ đã đưa ra thông báo và quyết định hậu kiểm chứ không tiền kiểm như trước kia. Thực tế thuốc bảo vệ thực vật là 100% nhập khẩu nhưng ngành nông nghiệp vẫn tiền kiểm. “Khi được hỏi vì sao lại tiền kiểm thì họ trả lời là “đặc thù”.

Vị này còn kể hàng hóa nhập khẩu, giờ về tới nơi là dừng tại cảng, chờ các cơ quan chức năng xuống lấy mẫu về kiểm tra. “Lâu vô cùng. Mỗi ngày lưu kho thì DN mất phí. Nếu lấy mẫu vào ngày thứ Sáu thì chúng tôi mất cả phí cho ngày thứ Bảy, Chủ nhật” - vị đại diện nói.

Cũng về thủ tục, bà Trịnh Tú Anh cho rằng việc DN thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy phải qua nhiều vòng rất nhiêu khê. “Tất cả đã rõ ràng rồi, thế mà DN còn phải mang hồ sơ lên Cục Bảo vệ thực vật để tiếp nhận. Mà lên thì họ còn phải giở đi giở lại chứ không phải đơn giản đâu…” - bà Tú Anh nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, phản ánh: Hiện giờ có quy định các nhà máy, nhà kho thuốc bảo vệ thực vật phải vào trong khu công nghiệp. “Nhiều nhà máy vài chục tỉ, hàng trăm tỉ bắt phải vào khu công nghiệp liệu có khả thi không? Chỉ cần áp quy định này là nhiều DN phá sản. Rất nguy hiểm” - ông Sơn nói.

Rồi còn có quy định chủ DN phải học ngành sinh học. “Tôi đề nghị bỏ quy định này đi. Nhiều công ty có hội đồng cố vấn toàn GS, PGS đầu ngành…, ông chủ không cần phải đi học sinh học nữa. Điều này không thực tế” - ông Sơn nói.

Trước ý kiến của ông Trình, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, có hiệu lực ngay từ ngày ký. Tuy nhiên, 1 tháng, thậm chí 2 tháng sau, các cơ quan chức năng vẫn chưa thi hành theo quy định mới vì người ta bảo "không biết", vẫn quen cách quy định cũ.

Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho biết Tổ công tác của Thủ tướng đã đi nhiều nơi để đốc thúc việc cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành. Và thực sự lĩnh vực này đang có những chuyển động tốt.

Đại diện Vụ Pháp chế Bộ NN&PTNT ghi nhận phản ánh của DN và sẽ xem xét, báo cáo lãnh đạo Bộ chấn chỉnh nếu phát hiện thấy hành vi không đúng mực của bộ phận thanh tra.

Đồng thời cho biết Bộ đang soạn thảo tờ trình về việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, lĩnh vực NN&PTNT có 33 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với khoảng 345 điều kiện kinh doanh. Bộ đề xuất cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hoá 241 điều kiện.


Thanh Hằng