Bản Để In

35 tỉnh thành và nhiều Bộ chưa có kế hoạch thực thi Nghị quyết 19

(Chinhphu.vn) – Sau gần 2 tháng Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, đa số các Bộ, cơ quan, địa phương đã ban kế hoạch hành động thực hiện. Tuy nhiên, Bộ KHĐT chưa nhận được kế hoạch của 35 địa phương và nhiều bộ ngành.

07/01/2016 02:06
Theo báo cáo của Bộ KHĐT tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 đang diễn ra về tình hình triển khai Nghị quyết 19, tính tới ngày 24/6, Bộ mới nhận được kế hoạch hành động của 15 Bộ, cơ quan và 28 tỉnh, thành phố.

Báo cáo chỉ rõ các Bộ, cơ quan này gồm các Bộ: Tài chính, NN&PTNT, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Công thương, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, LĐTBXH và các cơ quan:  BHXH Việt Nam, VCCI, TTXVN.

Còn các địa phương đã có kế hoạch gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Thanh Hóa, Phú Thọ, Nam Định, Hà Giang, Hà Nam, Bắc Kạn, Lai Châu, Quảng Nam, Kon Tum, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Ninh Bình, Lâm Đồng, Sóc Trăng, An Giang, Tuyên Quang, Tiền Giang, Bình Phước, Hưng Yên, Yên Bái, Bình Thuận, Đắk Nông.

Bộ KHĐT cho biế kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2016 của hầu hết các Bộ nhìn chung bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết; phù hợp với cách tiếp cận theo thông lệ quốc tế. Kế hoạch của một số Bộ, cơ quan như Tài chính, Giao thông vận tải, NNPTNT, VCCI, BHXH Việt Nam… khá chi tiết, cụ thể, và từ đó có thể đánh giá được kết quả và mức độ thực hiện.

Về phía địa phương, nhìn chung chất lượng kế hoạch hành động của các tỉnh, thành phố cũng có cải thiện so với trước; đã xác định mục tiêu và nhiệm vụ bám theo yêu cầu của Nghị quyết (điển hình như thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Sóc Trăng, Quảng Nam, Hà Giang, Lai Châu, Thanh Hóa…); nhưng vẫn còn nhiều địa phương chưa cụ thể hóa cách thức triển khai, tiến độ thực hiện kế hoạch cũng như dự kiến kết quả đạt được, chưa bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo yêu cầu.

Đặc biệt, Bộ KHĐT cho hay chưa nhận được chương trình, kế hoạch hành động của 35 địa phương và cả một số Bộ được giao nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết như Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, được biết trong ngày 28/6, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động.

“Vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động vào cuộc, chưa coi trọng việc thực hiện Nghị quyết, ví dụ như Bộ Công Thương. Vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp chưa được các Bộ, cơ quan giải quyết theo yêu cầu của Nghị quyết hoặc chỉ giải quyết hình thức để đối phó dư luận”, Bộ KHĐT thẳng thắn.

Nhìn xa hơn, theo Bộ KHĐT, gần ba năm thực thi Nghị quyết 19 đã đạt được một số kết quả về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa Nghị quyết và thực thi Nghị quyết, trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều kiện kinh doanh chuyển biến, quản lý chuyên ngành vẫn vướng

Một trong những kết quả trong thực thi Nghị quyết được Bộ KHĐT nhắc tới đầu tiên là việc cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh - một trong những trọng tâm của Nghị quyết 19. Tới ngày 30/6, các bộ ngành đã soạn thảo, trình Chính phủ xem xét, thông qua 50 nghị định về điều kiện kinh doanh. Nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được loại bỏ, một số khác đã được tiếp thu, bổ sung, sửa đổi...

Tuy nhiên, về một trọng tâm cải cách khác là lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, báo cáo của Bộ KHĐT cho thấy tình hình chưa có nhiều chuyển biến. Theo Bộ KHĐT, mới chỉ có một số Bộ gồm Tài chính, Giao thông vận tải,  NNPTNT chủ động triển khai thực hiện theo định hướng và yêu cầu của Nghị quyết, còn lại hầu hết các Bộ, ngành về cơ bản chưa quan tâm tới các tiêu chí về cải cách quản lý chuyên ngành như Nghị quyết đã đề ra; chưa triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan như yêu cầu của Nghị quyết.

Có khá nhiều vấn đề, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được phát hiện, phản ánh nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nhưng vẫn chưa được các Bộ, ngành có liên quan quan tâm giải quyết.

Báo cáo nêu một số vấn đề vướng mắc cụ thể đã được hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh nhiều lần tại các hội thảo, hội nghị, như quy định về dán nhãn năng lượng, quy định về xác nhận khai báo hóa chất, thủ tục kiểm dịch bông nhập khẩu, quy định ghi nhãn hàng hóa, công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu, thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm… và nhất là quy định về kiểm tra formaldehyt đối với sản phẩm dệt may theo Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Cũng Thông tư 37 nói trên được coi là ví dụ cho thấy một số quy định về quản lý chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, nhưng chưa đáp ứng đúng yêu cầu của Nghị quyết; chưa giải quyết được vấn đề, gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Những chuyển động từ tòa án

Cũng theo báo cáo, ngành Tư pháp (tòa án) đã có một số thay đổi đáng ghi nhận về cải cách thủ tục hành chính tư pháp, áp dụng mô hình tòa án điện tử nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục giải quyết phá sản cũng như lựa chọn tòa án như một kênh để giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Trong khi đó, chỉ số cấp phép xây dựng trong năm 2015 không có sự cải thiện và thời gian cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày, tăng lên 166 ngày, kéo dài nhất trong các thành viên ASEAN. Và theo phản ánh của các địa phương và doanh nghiệp, thì  một số quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã và đang gây khó khăn, bức xúc đối với doanh nghiệp.

Bộ KHĐT lấy ví dụ, quy định yêu cầu phần lớn các dự án, công trình (sử dụng vốn nhà nước và ngoài nhà nước) phải được Bộ Xây dựng hoặc Bộ chuyên ngành thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật đã kéo dài thời gian xin cấp phép xây dựng và làm tăng chi phí rất lớn đối với doanh nghiệp, nhất là đối với các công trình xây dựng ở các địa phương xa Hà Nội, có điều kiện đi lại khó khăn.

Nghị quyết số 19-2016 ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2016-2017, định hướng 2020 xác định mục tiêu cải thiện cả về điểm số và thứ hạng môi trường kinh doanh.

Cụ thể, đến hết năm 2016, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4. Đến năm 2017 duy trì mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới; và phấn đấu đạt trung bình ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Mục tiêu đến năm 2020, một số chỉ tiêu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 3.

Thanh Hằng