Bản Để In

Bài 2: Nguy cơ lớn mang hình hài “giấy phép con”

(Chinhphu.vn) - Đã được nói tới quá nhiều, song trước thời điểm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, nỗi lo “giấy phép con” vẫn được nhắc đến như một nguy cơ lớn nhất với quyền tự do kinh doanh…

06/23/2015 03:20
Theo Bộ Tư pháp, có những địa phương quy định sửa xe đạp là ngành kinh doanh có điều kiện
Hàng loạt vấn đề liên quan đến các điều kiện kinh doanh vẫn còn bề bộn trước thời điểm ngày 1/7/2015. Ở một phía, là sự thiếu vắng các quy định về điều kiện kinh doanh cụ thể trong một số lĩnh vực và ở phía kia, là bài toán làm sao để các điều kiện kinh doanh được ban hành hợp pháp, hợp lý, không gây khó cho doanh nghiệp…

Nước đã đến chân…

Tại hội thảo mới đây, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, có những doanh nghiệp đã bỏ lỡ các hợp đồng trị giá tới 2 tỷ USD làm gia công quân trang, quân phục cho quân đội Mỹ. Lý do là mặt hàng này bị cấm xuất nhập khẩu theo Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP ngày 9/5/2006 của Bộ Quốc phòng. “Đối tác không hiểu tại sao Việt Nam lại cấm”, bà Dung nói.

Có lẽ ít người để ý, rằng Quyết định số 80 của Bộ Quốc phòng sẽ đương nhiên không còn hiệu lực từ ngày 1/7 tới, bởi Luật Đầu tư năm 2014 không còn coi quân trang, quân dụng là mặt hàng cấm đầu tư, kinh doanh. Thay vào đó, Luật xác định đây là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Vấn đề là ở chỗ, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa biết sẽ phải đáp ứng điều kiện gì để được kinh doanh các mặt hàng này.

Và đây chỉ là một trong 21 ngành nghề (trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư) chưa có bất cứ quy định cụ thể nào về điều kiện kinh doanh. Phần lớn trong số này là những ngành nghề trước đây bị cấm kinh doanh, nay được Luật Đầu tư bỏ quy định cấm và xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Hồi giữa tháng 4/2015, sốt ruột trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản nhắc nhở các Bộ ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các điều kiện kinh doanh cho các ngành nghề này. Nhưng đến nay, tình hình cũng chưa có gì thay đổi.

Thực trạng chưa có quy định về điều kiện kinh doanh đặt các doanh nghiệp và cả cơ quản lý trước một tình thế lúng túng: Luật không cấm, nhưng có được làm? Ai muốn kinh doanh trong lĩnh vực này cũng được hay là cơ quan chức năng tạm dừng, không cấp phép? Hay các cơ quan chức năng sẽ xem xét từng trường hợp?

Băn khoăn này còn lớn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi trong số 267 ngành nghề, có khoảng 100 ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng thêm một số điều kiện so với nhà đầu tư trong nước.

“Chưa có điều kiện kinh doanh, nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài không biết có thể làm được gì. Chúng tôi giả định rằng, các cơ quan chức năng sẽ vẫn tùy nghi trong phê duyệt dự án trên cơ sở từng trường hợp”, ông Fred Burke, Trưởng Nhóm Công tác đầu tư và thương mại phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 9/6, trước sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh. Đây cũng là giải pháp được Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho biết khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Thế nhưng nhiều luật sư cho rằng cách tiếp cận như vậy không phù hợp với tinh thần của luật. Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), chưa có điều kiện nghĩa là nhà đầu tư không phải tuân thủ. “Cơ quan chức năng không được phép nói rằng doanh nghiệp phải chờ quy định. Nếu anh thấy cần thì anh phải ban hành, vì người dân và doanh nghiệp đóng thuế để nhà nước làm việc đó”, ông Huỳnh dứt khoát.

Nhìn chuyện cũ, lo chuyện mới

Ở chiều ngược lại, khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh cho 267 ngành nghề đã được Bộ KHĐT tập hợp. Trong số đó, 3.299 điều kiện kinh doanh nằm tại khoảng 170 thông tư, quyết định của các Bộ sẽ đương nhiên hết hiệu lực thi hành từ 1/7, bởi Luật Đầu tư đã cấm các bộ ngành, địa phương ban hành điều kiện kinh doanh.

Tại các dự thảo hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ KHĐT đã kiến nghị Chính phủ mạnh tay bãi bỏ các quy định này. Tuy nhiên theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, “hệ thống các điều kiện kinh doanh sẽ ra sao, vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào từ 1/7, đây vẫn là câu hỏi rất lớn”.

Trước hết, các điều kiện kinh doanh hợp pháp, hiện đang nằm tại các luật, pháp lệnh, nghị định sẽ được rà soát thế nào để bảo đảm hợp lý, không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Còn nhớ cuối năm 2014, trước phản ứng của doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT đã phải kiến nghị Chính phủ lùi thời hạn áp dụng nhiều điều kiện với cá tra xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 36/2014/NĐ-CP. Và theo các chuyên gia, không ít điều kiện đang được áp dụng với kinh doanh xuất khẩu gạo, kinh doanh gas hay kinh doanh vận tải hành khách đường bộ… được quy định tại các Nghị định cũng không hợp lý. Thực chất là biến tướng của vốn pháp định - khái niệm đã được loại bỏ từ năm 1999, các điều kiện này đều đưa ra một mức sàn sản lượng hàng hóa, dịch vụ tối thiểu và điều này hoàn toàn không liên quan đến những nguy cơ cho con người và xã hội từ các họat động kinh doanh này.

Vấn đề không dừng lại ở đó. Các chuyên gia như TS Nguyễn Đình Cung, GS Nguyễn Mại, Luật sư Trần Hữu Huỳnh… khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ đều nhắc đến “nỗi sợ” của các nhà đầu tư về nguy cơ các bộ ngành, địa phương tùy tiện “đẻ” ra điều kiện kinh doanh. Bởi thực tế, các “giấy phép con” đã từng được rà soát, loại bỏ hàng loạt khi xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 1999, rồi Luật Doanh nghiệp năm 2005, nhưng sau đó chúng vẫn mọc ra như nấm sau mưa. Theo rà soát mới đây của Bộ Tư pháp, có những địa phương đặt ra điều kiện kinh doanh cả với... sửa xe đạp, chạy xe ôm!

“Vừa rồi, trong khi Bộ KHĐT, VCCI tổ chức rất nhiều hội thảo về điều kiện kinh doanh thì Bộ Xây dựng vẫn đang soạn thảo, lấy ý kiến về điều kiện hành nghề môi giới bất động sản. Những ví dụ như vậy cho thấy nhận thức cải cách dường như chưa thấm vào tư duy của nhiều cơ quan quản lý và đấy là điều rất, rất khó thay đổi”, TS Nguyễn Đình Cung nhận xét.

Vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương so sánh việc kiểm soát các điều kiện kinh doanh giống như xử lý nước trong hồ cá. Nước có thể lọc sạch rồi, nhưng sau đó không kiểm soát được dòng nước chảy vào thì dần dần, hồ lại ô nhiễm và cá không lớn nổi. Còn LS Trần Hữu Huỳnh thì cho rằng, chỉ cần một chút sơ sểnh hay quan liêu của Nhà nước, các điều kiện kinh doanh bất hợp lý và thậm chí là bất hợp pháp đã có thể ra đời và làm khổ rất nhiều doanh nghiệp.

Trong khi đó, về khả năng doanh nghiệp khởi kiện các cơ quan ban hành điều kiện kinh doanh trái phép, vị luật sư cho rằng điều này là bất khả. Bởi pháp luật hiện hành chỉ cho phép khởi kiện các quyết định hành chính, trong khi các điều kiện kinh doanh được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong bối cảnh đó, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Bộ KHĐT đã đưa ra một quy trình kiểm soát hết sức nghiêm ngặt việc ban hành các điều kiện kinh doanh mới. Bộ KHĐT cũng đề xuất lập tổ chuyên trách về vấn đề này.

Về phía doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa góp ý rằng quy trình ban hành điều kiện không thể chỉ nằm trong nội bộ một cơ quan hay giữa các cơ quan nhà nước, mà phải có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp. Kiến nghị này của ông Nam càng có cơ sở khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 22/6 đã luật hóa việc lấy ý kiến của VCCI, các đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản.

Đánh giá cao điểm mới nói trên của Luật, song theo LS Trần Hữu Huỳnh, điều không thể thiếu là cả nhà nước và doanh nghiệp đều phải kiên nhẫn trong cuộc chiến với “giấy phép con”. “Đòi hỏi một sự tuyệt đối là không thể. Con đường khả thi là cộng đồng doanh nghiệp phải thật kiên trì, vừa hợp tác, vừa tạo sức ép với nhà nước để thúc đẩy cải cách. Nếu không, doanh nghiệp sẽ thiệt, nhà nước, xã hội và đất nước cũng chịu thiệt”, ông Huỳnh nói.

Hà Chính