Bản Để In

Bài 4: Khi luật kinh doanh “chạy trước”

(Chinhphu.vn) – “Những luật về kinh tế có thoáng bao nhiêu đi nữa mà luật hình sự bó chặt lại, không rõ ràng, minh bạch thì không ai dám bỏ tiền làm ăn. Và đó là vận mệnh của đất nước”.

06/26/2015 07:17
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cần tránh tình trạng luật kinh tế mở ra, luật chuyên ngành bó lại. Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đã không giấu nỗi lo âu khi phát biểu như trên tại Quốc hội về dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự. Và ông đã có lý khi nhận định, hàng trăm nghìn doanh nghiệp cũng có cùng tâm sự này.

Thế nhưng, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự chỉ là một ví dụ khá điển hình trong quá trình xây dựng một hệ thống thể chế đồng bộ để bảo đảm quyền tự do kinh doanh đã được xác lập tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Nếu luật chuyên ngành bó lại…

Mặc dù dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã không còn tội kinh doanh trái phép và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, song khả năng hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự vẫn thực sự là một nguy cơ.

“Đây là vấn đề không mới nhưng rõ ràng vẫn đang là những trở ngại, là những rào cản đối với công cuộc đổi mới sáng tạo làm nản lòng rất nhiều nhà đầu tư, doanh nhân muốn bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh. Có nhiều đổi mới có thể đi trước và có thể không đúng luật pháp. Nếu chúng ta quy vào những tội không rõ ràng sẽ rất nguy hiểm cho đất nước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói trước Quốc hội.

Được Quốc hội thông qua cùng lúc với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1/7. Nhưng ngay tại đạo luật này cũng có không ít những vấn đề cho đến nay vẫn khiến doanh nghiệp băn khoăn, mà nổi bật là quy định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn điều lệ ít nhất 20 tỷ đồng.

Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp 2014 không có quy định rõ ràng về vốn pháp định. Còn nếu coi khoản vốn 20 tỷ này là một điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư, thì đã có những ý kiến cho rằng, đây có thể sẽ là một “khoản vốn chết” mà doanh nghiệp phải để trong ngân hàng hoặc bằng một loại tài sản nào đó suốt cả quá trình hoạt động chứ không chỉ khi thành lập. 

Nhìn tổng thể, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, ví von rằng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã “chạy trước” các luật khác, do đó chắc chắn sẽ có những quy định không tương thích với tinh thần “cởi trói” trong 2 Luật và cần thời gian để điều chỉnh. Theo ông Nam, “chúng ta phải chấp nhận điều này, nhưng thời gian mà ta phải chấp nhận càng ngắn thì càng tốt cho doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, đây rõ ràng là một thách thức. Trong 5 chỉ số đo lường hiệu quả xây dựng và thi hành pháp luật kinh doanh năm 2014 của các Bộ mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vài ngày trước khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư có hiệu lực, “soạn thảo VBQPPL” là chỉ số duy nhất có điểm số bình quân giảm so với kết quả năm 2012. Đây là phản hồi của 288 hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cho hơn 400.000 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tựu trung lại, hệ thống luật pháp cần điều chỉnh hai mối quan hệ lớn của doanh nghiệp: Quan hệ theo chiều ngang giữa các doanh nghiệp với nhau và quan hệ theo chiều dọc giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

“Hệ thống luật pháp đó cần minh bạch, thuận tiện để khi có tranh chấp xảy ra, phải bảo đảm rằng phần thắng sẽ thuộc về bên có lẽ phải, với chi phí thấp nhất. Nếu không thì sẽ không ai dám bỏ tiền ra kinh doanh, đầu tư”, ông Huỳnh nói.

Điều đáng mừng là tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, việc lấy ý kiến VCCI trong quá trình xây dựng chính sách đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Điều này được kỳ vọng sẽ khắc phục căn bản tình trạng “lệch pha” giữa các luật kinh doanh với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Cải cách tư pháp phải song hành cải cách hành chính

Nhiều ví dụ cụ thể về yêu cầu cải cách tư pháp đã được cộng đồng doanh nghiệp đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đầu tháng 6 vừa qua. Chẳng hạn, các tòa án tại Việt Nam đã tuyên hủy nhiều phán quyết của trọng tài thương mại với những lý do như giấy ủy quyền có thiếu sót về mặt kỹ thuật hay do đơn vị tiền tệ ghi trong hợp đồng là USD chứ không phải đồng Việt Nam.

Cách tiếp cận này được nhóm công tác đầu tư và thương mại của Diễn đàn đánh giá là không phù hợp với các nghĩa vụ cam kết của Việt Nam theo Công ước New York, từ đó, gây nản lòng cho các nhà đầu tư. Bởi tố tụng trọng tài được hiểu là thủ tục linh hoạt, chứ không áp dụng các quy tắc thủ tục như tại tòa án và đây chính là một phần sức hấp dẫn của thủ tục trọng tài trên toàn cầu.

Nhìn rộng ra, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Nhà nước không chỉ cần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn phải bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp và điều này tất yếu đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan tư pháp.

“Sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm đang phát đi một tín hiệu về yêu cầu tăng cường cải cách tư pháp song hành với nỗ lực cải cách hành chính để nâng cao năng lực của các cơ quan xét xử và đảm bảo thi hành án, nâng cao niềm tin và sự dấn thân của doanh nghiệp vào sự nghiệp kinh doanh trong thời gian tới”, ông Lộc nhận định.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng vẫn còn khác biệt trong nhận thức về tốc độ và sự đồng bộ của đổi mới. “Tôi thấy bên Chính phủ hiểu rất rõ, ngành lập pháp cũng ở mức độ nhất định nhưng tư pháp còn chậm”, ông Cung chia sẻ tại một buổi tọa đàm mới đây về tái cơ cấu nền kinh tế.

Hiện, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, hàng loạt đạo luật quan trọng có liên quan đến cải cách tư pháp đang được xem xét, sửa đổi như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Trọng tài thương mại… Cùng với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) đã được ban hành năm 2014, việc sửa đổi các luật này được trông đợi sẽ giúp hoàn thiện các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp, góp phần giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam không chỉ thông thoáng, thuận tiện mà còn an toàn hơn.

Hà Chính