chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
![]() |
Ảnh VGP/Huy Thắng |
Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh điều này tại Hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ĐTNN” tổ chức ngày 16/5 tại Hà Nội.
Với 16.323 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký khoảng 237 tỷ USD, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng: ĐTNN đã có tác động lan tỏa tích cực, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Tuy vậy, việc cạnh tranh thu hút ĐTNN trong khu vực và trên thế giới diễn ra gay gắt, hoạt động ĐTNN tại Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Việc thu hút và quản lý hoạt động ĐTNN thời gian qua còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho hay, hiện chúng ta còn thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng cam kết WTO và các điều kiện đầu tư. Bên cạnh đó, quy định về mua bán và sáp nhập DN khó thực hiện; chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn; cơ chế giải quyết tranh chấp chưa rõ ràng.
Dưới góc độ đơn vị tư vấn cho nhiều doanh nghiệp trong thực tế, bà Vũ Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Quốc tế Ernst&Young Việt Nam cho rằng: Thực tế các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề "giấy phép con". Vì vậy, trong dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi cần quy định cụ thể về hồ sơ dự án đầu tư, để tránh tình trạng các cơ quan cấp phép địa phương yêu cầu nhà đầu tư cung cấp quá nhiều tài liệu không cần thiết và không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình gây cản trở hoạt động đầu tư.
Cũng về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn ĐTNN, khẳng định: Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) phải xử lý đồng thời 2 nhược điểm chủ yếu của luật hiện hành. Theo đó, luật sửa đổi phải hình thành được hành lang pháp lý thông thoáng để tạo tiền đề cho doanh nghiệp được quyền tự chủ thực hiện ý tưởng, sáng kiến trong kinh doanh và đầu tư.
Đồng thời phải xử lý các kẽ hở về luật pháp vừa để bảo vệ được hành vi kinh doanh chân chính, tránh bị lợi dụng để tiến hành các hoạt động bất chính. Cần thu hẹp lĩnh vực cấp, ngành nghề có điều kiện, tránh đẻ ra các giấy phép con. Thậm chí, nếu được, cần đưa vào Luật Doanh nghiệp phụ lục các ngành nghề cấp và ngành nghề kinh doanh để hạn chế tình trạng giấy phép con.
Có cùng quan điểm, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng: Cần thu hút đầu tư có chọn lọc nhưng cần phải cải thiện khâu cấp phép, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đây là xu thế bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, cần bổ sung các công cụ quản lý, đáp ứng kịp tốc độ phát triển, xây dựng được hàng rào kỹ thuật hiệu quả; tích cực cải cách thủ tục hành chính có tính đồng bộ hơn, tránh phát sinh chồng chéo. Ngoài ra, các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ cũng cần phải cải thiện nếu muốn nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ĐTNN.
Đồng thời, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch đầu tư nước ngoài nói riêng. Làm tốt công tác quy hoạch, còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc hậu kiểm.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng cần chú trọng lao động có chất lượng, trình độ cao thay vì chỉ tập trung vào lợi thế lao động giá rẻ. Theo đó, cần đào tạo theo đặt hàng của các doanh nghiệp, “trúng” luôn nhu cầu của các doanh nghiệp. Các mô hình phối hợp đào tạo như phối hợp với JICA cung cấp lao động cho các DN Nhật Bản cần nhân rộng.
Nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết của việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho hay: Việc bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, rõ ràng trong các quy định về đầu tư-kinh doanh, khuyến khích ĐTNN vào các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên phát triển cũng là một nội dung chính trong Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý ĐTNN trong thời gian tới.
Đây cũng là quan điểm chỉ đạo trong tiến trình sửa đổi các Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn rất cần các ý kiến góp ý từ cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà quản lý, các chuyên gia pháp luật và kinh tế để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu vào các dự thảo luật để trình Chính phủ và Quốc hội.
Huy Thắng