Bản Để In

Bán vốn tại Vinamilk không dùng chi thường xuyên

(Chinhphu.vn) - Việc thoái hết vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn vừa qua nằm trong một kế hoạch tổng thể và số tiền thu được sẽ chi cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, chứ không phải cho mục đích chi thường xuyên.

10/21/2015 09:07

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chiều 20/10, trả lời báo chí về ý kiến thoái hết vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT…, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết “đây là kế hoạch từ lâu rồi”.

Năm 2014, Chính phủ đã ra quyết định 37/2014/QĐ-TTg, trong đó quy định rõ các lĩnh vực, ngành cụ thể Nhà nước nắm giữ vốn chi phối sau khi cổ phần hóa. Đối với những lĩnh vực nằm ngoài danh sách đó cũng như với những doanh nghiệp mà tỉ lệ nắm giữ vốn còn cao thì sẽ thực hiện thoái vốn. Ví dụ, trong danh sách đó quy định những ngành nghề cụ thể nắm giữ 50% vốn, nhưng hiện Nhà nước đang nắm trên 50% thì sẽ thoái vốn.

Theo ông Lê Mạnh Hà, đây là quan điểm của Chính phủ nhằm giảm sự tham gia của Nhà nước, tăng sự tham gia của xã hội sau cổ phần hóa nhằm tăng hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Sau khi Quyết định nói trên ra đời, các bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty thực hiện rà soát lại thực trạng của mình để xây dựng kế hoạch thực hiện cổ phần hóa. Như vậy, có thể thấy rằng ý kiến của Chính phủ về việc thoái vốn của SCIC tại một số doanh nghiệp lớn vừa qua nằm trong một kế hoạch chung, tổng thể.

Ông Hà cho biết, quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện cổ phần hóa là rất lớn. Tuy nhiên, việc thực hiện còn chậm, số doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa chưa cao, số vốn đã thoái chưa được như yêu cầu vì nhiều nguyên nhân. Việc chậm thực hiện là có lý do, bởi trên thị trường, khi cung vượt quá cầu thì việc thoái vốn không tốt cho Nhà nước cũng như doanh nghiệp.

Tại thời điểm này, theo ông Hà, khi các doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt thì việc thoái vốn sẽ tốt cho Nhà nước, doanh nghiệp cũng như thị trường. Khi Nhà nước thực hiện thoái vốn, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tìm kiếm những nhà đầu tư tốt, có tiềm năng, có quan điểm đầu tư lâu dài, vì mục đích phát triển doanh nghiệp. Việc thoái vốn Nhà nước sẽ là “tin tốt” đối với các nhà đầu tư vì có cơ hội gia tăng cổ phần, tăng cường sự quản lý trực tiếp, có hiệu quả đối với doanh nghiệp.

Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa đều đang làm ăn rất tốt nên hiểu được giá trị của cổ phần hóa, hiểu được hiệu quả của việc thay đổi phương thức quản trị. 

Ông Lê Mạnh Hà đánh giá số vốn thoái được sẽ là rất lớn dù chưa thể nói con số chính xác là bao nhiêu. Nếu thoái được với giá tốt thì sẽ rất thuận lợi cho ngân sách Nhà nước. Số tiền này sẽ được chuyển vào một quỹ, sử dụng theo các quyết định của Chính phủ. Theo ông Hà, số tiền này sẽ được chi có mục đích, đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội chứ không phải cho mục đích chi thường xuyên.

Công Việt