Bản Để In

Báo cáo Chính phủ 3.299 điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ

(Chinhphu.vn) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ tất cả 3.299 điều kiện kinh doanh được quy định tại 170 thông tư, quyết định của các Bộ.

06/30/2015 08:36
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh báo cáo Chính phủ tình hình triển khai Nghị quyết số 19-Ảnh: Nhật Bắc

Đây là một trong những kết quả cụ thể trong việc triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, được Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015 vừa diễn ra ngày 29/6.

Kết quả rà soát và phân loại các điều kiện kinh doanh cho thấy, tương ứng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 Thông tư, Quyết định của các Bộ. Theo quy định của Luật Đầu tư 2014 thì 3.299 điều kiện này sẽ đương nhiên bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016.

Báo cáo của Bộ KHĐT cũng chỉ rõ số lượng điều kiện kinh doanh do các Bộ ban hành, như Bộ Tài chính (497 điều kiện), Công Thương (488), Y tế (466), NNPTNT (398), Giao thông vận tải (319), NHNN (288)…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, không phải tất cả trong số 3.299 điều kiện kinh doanh này đều không cần thiết. Do đó, “cái nào không cần thì phải bỏ ngay, còn điều kiện nào cần thiết thì phải báo cáo Chính phủ nhanh chóng ban hành Nghị định để điều chỉnh. Tinh thần là phải rất khẩn trương, kiên quyết các bộ, ngành, địa phương không được “đẻ” thêm quy định”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Bộ KHĐT kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ những đổi mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành trái thẩm quyền các quy định về điều kiện kinh doanh, nghiêm túc bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không còn hợp pháp...

Cũng thực hiện Nghị quyết 19 năm 2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tiến hành triển khai Nghiên cứu đánh giá hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ (MEI) năm 2014 và công bố chỉ số này vào ngày 22/6/2015.

Về quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu, trong số 10 Bộ được giao nhiệm vụ, đến nay, có 5 Bộ đã chủ động triển khai một số hành động theo hướng cải cách về nội dung thủ tục và phương thức thực hiện quản lý chuyên ngành.

Đáng chú ý, Bộ NNPTNT đã ban hành 10 Thông tư liên quan tới quản lý chuyên ngành. Bộ Công thương đã thí điểm việc cấp chứng nhận xuất xứ điện tử đối với C/O mẫu D (cấp cho hàng xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ ASEAN) từ ngày 14/5/2015. Bộ Giao thông vận tải đã khai trương đăng kiểm điện tử. Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch đo thời gian giải phóng hàng với sự tham gia của 7 Bộ, cơ quan liên quan...

Nhiều chỉ số cải thiện vượt bậc

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng lưu ý, đây là kết quả thực hiện Nghị quyết số 19 năm 2015, mới được ban hành hồi tháng 3 vừa qua. Còn triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 năm 2014, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2014 - 2015 đã được thực hiện  và đạt được kết quả rất đáng khích lệ.

Cụ thể, với việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015), khởi sự kinh doanh giảm 5 thủ tục (từ 10 thủ tục xuống còn 5 thủ tục) và giảm thời gian từ 34 ngày xuống còn 17 ngày, trong đó thời gian đăng ký kinh doanh còn 3 ngày, vượt chỉ tiêu so với yêu cầu (Nghị quyết đặt chỉ tiêu 6 ngày). Theo đó, xếp hạng chỉ số này sẽ cải thiện từ vị trí 109 lên vị trí 37 (tăng 72 bậc), cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 99), và cao hơn trung bình của nhóm nước ASEAN 4 (vị trí 70).

Luật Doanh nghiệp 2014 cũng có đổi mới đáng kể  trong bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư thiều số theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt, nhờ đó cải thiện đáng kể điểm số về bảo vệ nhà đầu tư (từ 3.33 điểm lên 6.2 điểm). Với mức cải thiện này, xếp hạng chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư của nước ta sẽ tăng 105 bậc (từ vị trí 157 lên vị trí 52), đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6 như yêu cầu của Nghị quyết.

Trong năm qua, tổng thời gian nộp thuế và BHXH dự kiến giảm được 480 giờ và cải thiện 27 bậc, từ vị trí 149 lên vị trí 122. Tuy nhiên, vị trí này vẫn thấp hơn khá nhiều so với trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 67).

Thời gian tiếp cận điện năng giảm được khoảng 30 ngày, từ 115 ngày xuống còn 85 ngày và thứ hạng cải thiện 12 bậc (từ vị trí 156 lên vị trí 144). Tuy nhiên, thời gian giảm chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết và cần tiếp tục giảm thêm 15 ngày nữa.

Về chỉ tiêu Giao dịch thương mại qua biên giới (hải quan), Bộ Tài chính, Tổng cục hải Quan đã rà soát và sửa đổi một số quy định, chính sách liên quan đến thông quan qua biên giới và kịp thời có công văn xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Tổng cục hải quan mà còn thuộc trách nhiệm của các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành. Năm 2014, chưa nhiều Bộ chú trọng tới cải thiện thủ tục quản lý chuyên ngành theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Do vậy, chỉ số về Giao dịch thương mại qua biên giới chưa có sự cải thiện rõ rệt.

Riêng các giải pháp rút ngắn thời gian Giải quyết tranh chấp hợp đồngGiải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp chưa được triển khai thực hiện.

Thành Đạt