chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có 2 lĩnh vực y tế liên quan đến phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, đó là công tác bảo đảm phòng chống dịch an toàn cho sản xuất và tiêm vaccine cho người lao động - Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Cụ thể, về công tác bảo đảm phòng, chống dịch an toàn cho sản xuất, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Vì vậy, Bộ đề nghị các lãnh đạo các địa phương cập nhật và quán triệt tới các chủ doanh nghiệp, đơn vị quản lý doanh nghiệp, ban chỉ đạo chống dịch cấp huyện, xã nơi có cụm công nghiệp đóng trên địa bàn.
UBND cấp tỉnh cũng phải rà soát và hoàn chỉnh kế hoạch chống dịch của từng doanh nghiệp, đồng thời thường xuyên giám sát theo tình hình dịch, phải phê duyệt bằng được phương án phòng chống dịch của từng doanh nghiệp và phương án xử lý doanh nghiệp khi có F0.
Về phía doanh nghiệp, phải có lộ trình, kế hoạch phòng chống dịch cụ thể để địa phương phê duyệt nhằm sẵn sàng sản xuất trở lại.
Các địa phương có doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng phải thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch và thành lập các tổ công tác phòng, chống dịch do các đồng chí phó chủ tịch, phụ trách quản lý y tế trực tiếp chỉ đạo việc này và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp…
Về vấn đề tiêm vaccine cho người lao động, Thứ trưởng cho biết, tính đến ngày 17/9, Việt Nam đã tiếp cận và đưa về nước trên 43 triệu liều vaccine các loại. Đến ngày 19/9, cả nước đã thực hiện tiêm trên 34 triệu liều, còn 9 triệu liều mới được phân bổ về các địa phương.
Các địa phương cần thực hiện tiêm chủng theo quy định (tại Nghị quyết 21, Nghị quyết 105 của Chính phủ, Quyết định 3355 của Bộ Y tế) về bảo đảm công tác tiêm vaccine cho người lao động.
“Trong văn bản, Bộ Y tế đã hướng dẫn các doanh nghiệp lọc danh sách những người lao động cần phải tiêm vaccine gửi về sở y tế để xây dựng kế hoạch, báo cáo Ban Chỉ đạo chống dịch của tỉnh để tổ chức triển khai”, Thứ trưởng cho biết.
Do số lượng vaccine được phân bổ về các địa phương theo từng đợt vaccine về nên Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần lập kế hoạch tiêm chủng cho các đối tượng trên địa bàn, căn cứ vào Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định 3355 của Bộ Y tế để ưu tiên tiêm cho các đối tượng, trong đó có người lao động trong các doanh nghiệp.
Kịch bản chống dịch phải sát với thực tế
Trước diễn biến dịch hiện nay, đồng thời thực hiện Nghị quyết 86, Nghị quyết 105 của Chính phủ, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, Bộ Y tế đang dự thảo các vấn đề liên quan để các doanh nghiệp trở lại sản xuất trong tình hình mới. “Chúng tôi đang dự kiến, các doanh nghiệp phải bảo đảm "5 xanh" để sản xuất an toàn trong tình hình mới gồm: Nhà máy xanh, công nhân xanh, di chuyển xanh, nơi ở công nhân xanh, y tế tại chỗ của doanh nghiệp”.
Đối với doanh nghiệp có phòng y tế tại chỗ, sẽ chủ động chăm sóc sức khỏe cho người lao động, cấp cứu ban đầu và phối kết hợp để khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp không thể mở phòng khám y tế tại chỗ, họ có ký hợp đồng với cơ sở y tế trên địa bàn nhưng các cơ sở này chỉ tập trung vào khám sức khỏe ban đầu, khi có vấn đề khác thì rất bị động.
Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch hiện nay, Thứ trưởng khuyến cáo, nếu doanh nghiệp nào ký hợp đồng với cơ sở y tế tại địa phương thì phải đề nghị cơ sở y tế cử cán bộ để tham mưu công tác phòng, chống dịch cho doanh nghiệp mình và thành lập kế hoạch công tác phòng, chống dịch giữa 2 bên để chủ động khi không may có tình huống xấu xảy ra.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng chia sẻ, qua theo dõi thực tế, các địa phương chỉ đạo rất tích cực công tác phòng, chống dịch đối với các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, kịch bản chống dịch chưa sát với thực tế, chưa gắn với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, của địa phương. Vì vậy, khi dịch xảy ra, doanh nghiệp lúng túng, chưa đáp ứng được công tác phòng chống dịch.
Đặc biệt, với biến chủng Delta hiện nay, cả nước đã có 62/63 tỉnh, thành phố ghi nhận ca F0. Diễn biến dịch giai đoạn hiện nay và dự báo giai đoạn sau sẽ khác với các giai đoạn trước, chính vì vậy, chúng ta phải luôn bảo đảm đáp ứng với tình hình dịch trong bối cảnh mới để vừa phải kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời vừa phải bảo đảm an toàn sản xuất.
Hiền Minh