Bản Để In

Bình Phước: Những cam kết với doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) - Trong vài năm gần đây, Bình Phước đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước và đã đạt được nhiều kết quả cụ thể.

03/08/2018 03:20
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm và Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Bình Phước tại sự kiện "cà phê doanh nhân" ngày 6/3 vừa qua.

Trong năm 2017, toàn tỉnh đã thu hút được 150 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 6.435 tỷ đồng, 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 71,787 triệu USD.

Tỉnh đang phấn đấu thực hiện cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư, mục tiêu đến năm 2020 tăng gấp 1,5 lần số DN hiện có.

Từ đường dây nóng đến những lời xin lỗi

Để thực hiện mục tiêu này, từ tháng 4/2016, Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước đã quyết định thiết lập đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến 24/24 giờ trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh, giải đáp cho DN. Lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp hàng tháng để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.

Việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của DN được thực hiện tại một đầu mối, các cơ quan liên quan giải quyết theo quy chế phối hợp đảm bảo thời gian quy định và DN được giải thích rõ lý do khi cần bổ sung hồ sơ. Qua rà soát, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu tỉnh ban hành quy định mới về chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư (Nghị quyết số 31 ngày 19/7/2017 của HĐND tỉnh) nhằm thu hút đầu tư, giảm chi phí cho DN và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Một số thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu quy định trong Nghị quyết 19/NQ-CP và cam kết với VCCI. Cụ thể, thời gian thành lập DN chỉ còn tối đa 2 ngày; thời gian giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư giảm xuống còn 12 ngày, bằng 1/3 thời gian so với quy định của Trung ương; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản còn không quá 10 ngày; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 5 ngày 1 giờ 35 phút đối với hàng xuất khẩu, 5 ngày 2 giờ 40 phút đối với hàng nhập khẩu.

Về thủ tục thuế, hiện 100% người nộp thuế đã thực hiện kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử theo quy định, thủ tục hoàn thuế điện tử đã được triển khai, rút ngắn thời gian giải quyết công việc và chi phí cho DN.

Những nỗ lực cải cách của tỉnh Bình Phước cũng thể hiện qua từng việc tưởng như rất nhỏ, với quan điểm lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo. Cuối năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 3591/UBND-NC về chấn chỉnh việc thực hiện xin lỗi cá nhân, tổ chức khi để hồ sơ TTHC quá hạn giải quyết.

Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi để hồ sơ thủ tục hành chính quá hạn giải quyết.

“Thực hiện văn bản xin lỗi 01 lần duy nhất và thời gian gia hạn giải quyết không quá một phần tư (1/4) thời gian giải quyết thủ tục hành chính đó. Thời hạn ban hành văn bản xin lỗi chậm nhất 01 ngày trước ngày hết hạn trả kết quả”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu. Đồng thời,  thường xuyên chấn chỉnh và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với công chức, viên chức thụ lý, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính để chậm trễ từ lần thứ 03, đồng thời xem xét tính chất, mức độ sai phạm để xử lý vi phạm kỷ luật theo quy định.

Còn theo Công văn của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước về việc chấn chỉnh thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, thì thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh phải chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; hướng dẫn đầy đủ việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa việc người dân phải đi lại nhiều lần; khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về thủ tục hành chính, quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính.

UBND tỉnh cũng yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực và tự đặt thêm quy định không có trong văn bản quy phạm pháp luật. Xử lý dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và cập nhật, công khai kết quả xử lý trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh; của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã.

Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào giới thiệu những kết quả đơn giản hóa thủ tục hành chính; biểu dương những mô hình mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong tổ chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cũng như phản ánh về những thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; những tổ chức, cá nhân thực hiện chưa tốt, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; những cán bộ, công chức bảo thủ, gây cản trở quá trình cải cách tại cơ quan, đơn vị.

“Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng khẩn trương phối hợp với Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông điện tử tại UBND huyện. Thời gian áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông điện tử phải được thực hiện trong tháng 10/2017”, Công văn nêu rõ.

 Điểm nhấn Trung tâm hành chính công

Một điểm nhấn trong công tác cải cách hành chính tại Bình Phước là từ cuối tháng 4/2017, tỉnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công để phục vụ, giải quyết các TTHC liên quan đến DN và người dân nhanh hơn. Kết quả khảo sát trong quý 4/2017 cho thấy: Có 690/1.386 phiếu khảo sát rất hài lòng (chiếm 49,8%), 664 phiếu hài lòng (49,7%), chỉ có 13 phiếu đánh giá trung bình (0,9%) và 0 phiếu không hài lòng.

Trung tâm hành chính công tỉnh hiện đang phối hợp với VCCI chi nhánh TPHCM thực hiện dự án thúc đẩy và hỗ trợ DN tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử, khuyến khích DN thực hiện TTHC qua mạng nhằm cắt giảm tối đa thời gian giải quyết so với quy định.

Một điểm nhấn nữa là Bình Phước vừa tổ chức thành công Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 11 Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, với sự phối hợp, tham dự của nhiều bộ, ngành, địa phương và DN của 3 nước vào trung tuần tháng 12/2017.

Cổng thông tin dịch vụ công và website của các cơ quan, địa phương thực hiện công khai đầy đủ TTHC về đầu tư kinh doanh, các quy định chính sách, quy hoạch của tỉnh. Công tác tư tưởng về đạo đức công vụ và cải cách hành chính được quán triệt, tinh thần phục vụ doanh nghiệp của cán bộ, công chức đã có chuyển biến tích cực.

Trong năm 2018, tỉnh Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa các DN nhà nước, một số công ty đang khẩn trương hoàn tất thủ tục để đăng ký, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Các hoạt động hỗ trợ DN như đào tạo, xúc tiến thương mại sẽ được tổ chức thường xuyên, kèm với đó là hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện đúng quy định (không quá một lần/năm), kết hợp nhiều nội dung trong một đợt, chỉ kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Đồng thời, trong giải quyết các quan hệ kinh tế, dân sự đã không hình sự hóa, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quy định về người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại với nhân dân, nhằm tạo thuận lợi để DN tham gia góp ý; đảm bảo toàn bộ các văn bản quy định về cơ chế, chính sách do tỉnh ban hành đều được lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng DN và người dân.

Năm 2017 Bình Phước có 892 DN thành lập mới, lũy kế 5.857 DN đã đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 46.041 tỷ đồng. Tỷ lệ DN thành lập mới cao hơn nhiều so với DN giải thể, phá sản. Với quyết tâm cao cùng những giải pháp thiết thực, hy vọng tỉnh Bình Phước sẽ sớm đạt mục tiêu cam kết với VCCI là đến năm 2020 sẽ tăng ít nhất gấp 1,5 lần số lượng DN hiện có.

Thanh Hằng