chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
![]() |
Việc sửa đổi các thủ tục xuất nhập khẩu sẽ giảm rất nhiều gánh nặng chi phí cho DN |
Cụ thể, Bộ này phải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2013/NĐ-CP đối với hàng hóa thuộc Danh mục quản lý chuyên ngành của các Bộ; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 11039/2014/QĐ-BCT về danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương.
Cùng với đó, sửa đổi các quy định về thủ tục khai báo hoá chất, thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyt trên các sản phẩm dệt may.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp chỉ đạo tất cả các vụ, cục, tổng cục vào cuộc rà soát lại toàn bộ các quy định theo tinh thần Nghị quyết số 19 để sửa đổi, bổ sung. “Bộ đang ráo riết triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ giao”, bà Hương đánh giá.
Khai báo hoá chất sẽ thay đổi căn bản
Về thủ tục khai báo hóa chất, ý kiến doanh nghiệp cho rằng hiện có quá nhiều mặt hàng nhập khẩu phải khai báo, quá nhiều lần khai báo và quá nhiều giấy tờ hồ sơ. Một khảo sát cho thấy riêng một đơn vị thuộc Cục Hóa chất chỉ trong một năm đã cấp tới hơn 50 nghìn giấy xác nhận hóa chất nhập khẩu.
Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh cho hay khai báo hóa chất là một trong những thủ tục đầu tiên của Bộ Công Thương được triển khai trực tuyến tới cấp độ 4 (tức nộp hồ sơ và nhận kết quả hòan tòan qua mạng internet), nhưng chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp khai báo điện tử, còn lại là khai báo giấy. Nguyên nhân là do hệ thống khai báo điện tử cũng chưa hoạt động tốt, ông Thanh thẳng thắn.
Thực hiện Nghị quyết 19, “trong năm nay và đầu năm 2016, chúng tôi sẽ phải đổi mới, có những thay đổi rất căn bản”, ông Thanh khẳng định. Hiện, Cục đang chủ động rà soát lại và tới đây sẽ làm việc với các chuyên gia Nhật để loại bỏ bớt số hóa chất trong danh mục phải khai báo, đồng thời xác định rõ ngưỡng hàm lượng nào thì mới phải khai báo.
Theo ông Thanh, đây là việc rất phức tạp nhưng sẽ kết thúc trong tháng 11/2015 và danh mục mới về hóa chất phải khai báo sẽ được ban hành đầu năm 2016 với việc sửa đổi các Nghị định số 108/2008/NĐ-CP, Nghị định số 26/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Còn trước mắt, muộn nhất trong tháng 6 này, Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 40/2011/TT-BCT về thủ tục khai báo hoá chất theo hướng giảm bớt hồ sơ, tăng cường khai báo, xác nhận khai báo bằng phương thức điện tử. Thời gian làm thủ tục cũng sẽ giảm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày.
Giảm gánh nặng hồ sơ cấp C/O
Liên quan đến hồ sơ cấp C/O được phản ánh là đòi hỏi quá nhiều giấy tờ, bà Đỗ Thị Thu Hương cho biết hiện Bộ Công Thương đã triển khai kết nối cơ chế một cửa quốc gia với Tổng cục Hải quan. Theo đó, cơ quan cấp C/O được truy cập vào kho dữ liệu của hải quan để lấy tờ khai hải quan điện tử cho thủ tục cấp C/O form D (đi các nước ASEAN). Điều này có nghĩa là doanh nghiệp không phải in tờ khai hải quan điện tử - vốn rất dài - ra bản giấy dài có khi lên đến hàng chục trang nữa.
Bộ này cũng đang đề nghị phía Hải quan cho phép cơ quan cấp C/O được truy cập vào cả dữ liệu điện từ về hóa đơn thương mại hay vận tải đơn để doanh nghiệp không phải nộp bản giấy các giấy tờ này
Cục Xuất nhập khẩu cam kết trong quý II/2015, cơ quan này sẽ thí điểm cấp C/O điện tử theo hướng cho phép doanh nghiệp nộp bản điện tử với tất cả các chứng từ. Đồng thời, triển khai cơ chế doanh nghiệp ưu tiên tương tự như Hải quan đang làm, doanh nghiệp nào có uy tín cao sẽ được miễn giải trình về xuất xứ hàng hóa, nếu có nghi ngờ thì sẽ giải trình sau.
Một giải pháp đột phá khác là triển khai cơ chế cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Hiện Bộ Công Thương đang thí điểm và sau đó sẽ tổng kết nhân rộng cơ chế này.
“Với những giải pháp này, chúng tôi tin rằng gánh nặng về thủ tục, hồ sơ cấp C/O của doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể”, bà Hương chia sẻ.
Sửa quy định “cứ có vải là lôi ra kiểm tra”
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, Thông tư 32/2009/TT-BCT quy định quá rộng các đối tượng sản phẩm dệt may phải kiểm tra formaldehyt, hồ sơ đăng ký kiểm tra cũng quá nhiều. Cách hiểu phổ biến về Thông tư này là áp dụng trong mọi trường hợp, mọi loại hình nhập khẩu, tức là cứ có vài là lôi ra kiểm tra.
Trước yêu cầu của Chính phủ, bà Đỗ Thị Thu Hương khẳng định cuối năm 2015, Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 32, theo hướng hướng quy định rõ hơn, nhiều hơn các trường hợp miễn kiểm tra, giảm tần suất kiểm tra với các mặt hàng phải kiểm tra.
Hiện Cục Xuất nhập khẩu đã triển khai việc miễn kiểm tra đối với một số sản phẩm có xác nhận, chứng nhận (của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có uy tín) đạt chất lượng cao.
Về việc đăng ký và trả kết quả kiểm tra formaldehyt qua mạng, bà Hương cho biết Bộ Công Thương không trực tiếp cấp giấy kiểm định mà do các tổ chức được chỉ định cấp, nên Bộ Công Thương đang phối hợp với Hải quan xây dựng cơ chế để các tổ chức này chuyển kết quả kiểm tra cho Hải quan trong thời gian nhanh nhất.
Giảm tối đa các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành
Liên quan đến Nghị định 187 của Chính phủ, hiện Bộ Công Thương đang cùng các bộ tổng rà soát lại theo hướng tiếp tục giảm đến tối đa các mặt hàng phải chịu thủ tục quản lý chuyên ngành của các bộ trước khi thông quan. Đồng thời, chuyển cách thức quản lý nhiều mặt hàng từ cấp phép nhập khẩu chuyển sang quản lý rủi ro hoặc ban hành điều kiện nhập khẩu… Thủ tục, giấy tờ cũng sẽ được rà soát và cắt giảm.
Bà Hương cũng cho biết việc thực hiện Quyết định số 11039/2014/QĐ-BCT hiện đang vướng mắc ở mã số HS của sản phẩm. Sắp tới, mã số HS sẽ được Bộ này chuẩn hóa lại để hải quan và doanh nghiệp thực hiện thuận tiện hơn.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, năm 2015, với việc Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại như AEC, TPP hay Việt Nam – EU…, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng vọt, vì mục đích của các hiệp định này là thúc đẩy giao lưu thương mại.
“Chúng tôi đánh giá việc sửa đổi các thủ tục quản lý chuyên ngành liên quan đến xuất khập khẩu hàng hóa sẽ có tác động rất lớn, giúp doanh nghiệp giảm chi phí hành chính, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp vươn xa hơn nữa trên thị trường thế giới và có chỗ đứng vững chắc hơn trong thị trường nội địa”, bà Hương đánh giá.
Hà Chính