Bản Để In

Bộ GTVT: Trước mắt, quản taxi công nghệ như truyền thống

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã gửi báo cáo đến Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, trong đó có quản lý xe hợp đồng điện tử...

06/05/2019 06:52

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giải pháp xử lý trước mắt trong quản lý xe hợp đồng điện tử là áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử hoạt động như taxi thì quản lý như là xe taxi.

Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp vào sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã gửi báo cáo đến Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, trong đó có quản lý xe hợp đồng điện tử.

Phương án quản xe hợp đồng điện tử (như Grab) nói trên thực ra cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề cập tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 6/3/2019.

Thông tịn đưa ra khi đó là trên cơ sở kết quả thí điểm và những nét tương đồng giữa xe taxi với xe dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử, để tăng cường công tác quản lý đối với xe dưới 9 chỗ chở khách, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử thì là xe taxi.

Nay, trong báo cáo vừa hoàn thành ngày 3/6, Bộ trưởng cho biết sau hai năm thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (xe hợp đồng điện tử) tại các tỉnh, thành phố có 14 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử (trong đó có 13/14 đơn vị là các doanh nghiệp của Việt Nam) và có trên 46.000 phương tiện tham gia ứng dụng hợp đồng điện tử.

Báo cáo nêu rõ, đây là hoạt động mới phát sinh trong khi chưa có quy định chính thức tại các văn bản quy phạm pháp luật, do đó cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo điều hành và lực lượng chức năng gặp khó khăn trong kiểm tra, xử lý vi phạm.

Bộ trưởng Thể cho biết, hiện nay, đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ trong hoạt động vận tải đường bộ đang có xu hướng phân tách thành hai loại đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ.

Loại thứ nhất: đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ chỉ đơn thuần là cung cấp phầm mềm nhằm tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa đơn vị vận tải với hành khách được nhanh chóng thuận lợi mà không quyết định giá cước, không trực tiếp điều hành phương tiện, không tuyển dụng lái xe... và hưởng một tỷ lệ phần trăm nhất định từ doanh thu của hoạt động vận tải do đơn vị vận tải trả cho đơn vị cung cấp phần mềm nền tảng công nghệ.

Loại thứ hai: đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ trực tiếp cung cấp phầm mềm kết nối giữa đơn vị vận tải với hành khách được nhanh chóng thuận lợi và trực tiếp quyết định giá cước, trực tiếp điều hành phương tiện, tuyển dụng lái xe... và thu tiền doanh thu của hoạt động vận tải sau đó phân chia tỷ lệ cho đơn vị vận tải, loại này hoạt động như 1 đơn vị vận tải (đơn vị vận tải lúc này gần như không quản lý, không chịu trách nhiệm về hoạt động vận tải mà trở thành bình phong và chỉ làm thủ tục xin cấp phù hiệu cho phương tiện).

Giải pháp xử lý trước mắt, Bộ đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử hoạt động như taxi thì quản lý như là xe taxi để đưa vào nội dung quy định tại nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ).

Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải cho biết, dự thảo đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh cho xe taxi; cho phép tất cả các loại hình kinh doanh vận tải được ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động vận tải.

Dự thảo cũng bổ sung quy định như: làm rõ về khái niệm xe kinh doanh vận tải bằng taxi, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng có sử dụng hợp đồng điện tử, bổ sung quy định về gắn hộp đèn để nhận diện phương tiện nhằm tạo sự công bằng, thuận lợi cho công tác tổ chức giao thông, đảm bảo quyền lợi cho hành khách và người dân; đồng thời bổ sung trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, nghĩa vụ thuế, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Giải pháp xử lý về lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu và phối hợp bộ, ngành địa phương liên quan để đề xuất nội dung quy định trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Thanh Hằng