Bản Để In

Bộ NNPTNT nỗ lực cải cách 2 lĩnh vực trọng tâm

(Chinhphu.vn) – Bộ NNPTNT đã có nhiều nỗ lực trong cả hai lĩnh vực trọng tâm cải cách được xác định tại Nghị quyết 19 của Chính phủ.

10/05/2015 12:44
Doanh nghiệp ghi nhận hồ sơ kiểm dịch thực vật với hàng hóa xuất nhập khẩu đã giảm tới 60%.
Đây là đánh giá của Bộ KHĐT trong báo cáo về kết quả 6 tháng thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016.

Nghị quyết 19 yêu cầu cần cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm.

Liên quan đến lĩnh vực cải cách điều kiện kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7/8/2015 về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Trong đó, yêu cầu các Bộ, cơ quan và địa phương rà soát, đánh giá quy định của pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung.

Nay, trong Báo cáo về triển khai Nghị quyết 19, Bộ KHĐT đã chỉ đích danh Bộ NNPTNT như một đơn vị đã tích cực triển khai yêu cầu trên của Chính phủ. Cũng nên nhắc lại rằng theo kết quả rà soát trước đây, Bộ NNPTNT là một trong hai bộ ban hành nhiều điều kiện kinh doanh nhất, với 398 điều kiện kinh doanh.

Hồi tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã triển khai các tổ công tác đặc biệt để tổng rà soát và gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Ở lĩnh vực trọng tâm còn lại là quản lý chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, nếu tình hình chung theo đánh giá của doanh nghiệp vẫn chưa có chuyển biến đáng kể, thì quy định về hồ sơ kiểm dịch thực vật - lĩnh vực quản lý của Bộ NNPTNT - lại gây ấn tượng mạnh khi đơn giản hơn trước khá nhiều, giảm tới 60%.

Một nỗ lực khác của Bộ NNPTNT là đã ban hành Quyết định số 2515/QĐ-BNN-BVTV ngày 29/6/2015 về Bảng mã số HS của danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (ngoài 10 Thông tư liên quan tới quản lý chuyên ngành đã được ban hành năm 2014). Theo Bộ KHĐT, nội dung bổ sung, sửa đổi trong các Thông tư và Quyết định nói trên vẫn còn một số nội dung cần điều chỉnh lại cho phù hợp với tinh thần cải cách, nhưng cũng đã đơn giản hoá nhiều thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ KHĐT cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong mảng nhiệm vụ của Bộ NNPTNT. Đó là, mặc dù Bộ đã nỗ lực giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu, tuy nhiên, một số vấn đề của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết.

Chẳng hạn quy định về tỷ lệ lấy mẫu theo “lô sản xuất” (thay cho quy định trước lấy mẫu theo “lô hàng xuất khẩu”) làm tăng tần suất lấy mẫu, gây khó khăn và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Hay quy định việc hải sản nguyên liệu nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU) phải được khai thác, vận chuyển bởi tàu cá có Code EU tiếp tục là vấn đề các doanh nghiệp phản ánh, đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết, bãi bỏ. Đặc biệt, theo phản ánh của các doanh nghiệp, thủ tục hành chính này chưa được quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành của nhà nước, mà chỉ là chỉ đạo tại một công văn của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng còn gặp các vướng mắc liên quan đến một số quy định tại Nghị định 36/2014/NQCP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra như tỷ lệ độ ẩm 83%, đăng ký hợp đồng xuất khẩu và tỷ lệ mạ băng 10%.

Thành Đạt