Bản Để In

Bộ Tài chính tiếp thu các góp ý của Hiệp hội DN Châu Âu

(Chinhphu.vn) – Tiếp thu các ý kiến, đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại VN về việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, Bộ Tài chính cho biết Bộ đang nghiên cứu để trình các cấp có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết hơn việc áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu cũng như xây dựng một số chính sách thuế khác ổn định và đơn giản hơn.

06/29/2017 02:02

Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu đưa ra kiến nghị cần giới thiệu các ưu đãi về thuế và đơn giản hóa các quy trình nhằm khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp giảm sử dụng năng lượng và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, gió hoặc các nguồn năng lượng tái tạo khác để giảm áp lực cho hệ thống phân phối điện.

Đồng thời, Hiệp hội cũng cho rằng cần xây dựng khung pháp lý để thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn xử lý nước hiện hành, đình chỉ giấy phép hoạt động đối với đơn vị vi phạm nghiêm trọng và điều chỉnh các quy định chưa nhất quán về đánh giá tác động môi trường (EIA); Công bố các mục tiêu và chính sách về kiểm soát chất lượng không khí và khí thải cụ thể, áp dụng đối với các nhà máy điện than, nhà máy xi măng và các nguồn ô nhiễm chính khác dựa trên đánh giá tác động kinh tế-xã hội, sức khỏe và đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng.

Đối với thuế GTGT, Hiệp hội nhận thấy tiềm năng phát triển lớn trong các ngành dịch vụ xuất khẩu ở Việt Nam, bao gồm dịch vụ hỗ trợ và gia công cho hàng hóa xuất khẩu. Việc xác định tiêu chí để được miễn thuế GTGT đối với dịch vụ này (đặc biệt là để phục vụ tiêu dùng nước ngoài), ví dụ như dịch vụ B2B mà người dùng dịch vụ cư trú ở nước ngoài. 

Tuy nhiên, Hiệp hội cũng khuyến nghị cơ chế linh động hơn cho người nộp thuế để họ nhận được hướng dẫn rõ ràng và kịp thời bằng văn bản từ cơ quan thuế về các quy định thuế chưa thống nhất sao cho người nộp thuế có thể tuân thủ đúng các chính sách thuế đề xuất và không phải áp dụng hình thức phạt khoản thanh toán trễ hạn nếu công ty được kiểm toán, thanh tra lại thuế.

Đối với mặt hàng rượu vang và rượu mạnh, Hiệp hội cũng bày tỏ sự quan ngại về tính bất ổn, khó đoán định trong chính sách thuế và những thay đổi liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2016. Việc này đã làm tăng đáng kể nghĩa vụ tài chính đối với mặt hàng rượu nhập khẩu, khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Ưu đãi thuế nhằm khuyến khích giảm sử dụng năng lượng

Nhằm khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp giảm sử dụng năng lượng và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác để giảm áp lực cho hệ thống phân phối điện, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015, phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; trong đó quy định chính sách ưu đãi về thuế cho phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời.

Về thuế nhập khẩu, được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.

Ưu đãi về đất đai, được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Quy định về thuế nhằm kiểm soát chất lượng môi trường

Để tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế tài nguyên, quy định 8 nhóm tài nguyên khoáng sản chịu thuế, trong đó có các loại than “than an-tra-xít hầm lò; than an-tra-xit lộ thiên, than nâu, than mỡ, than khác”, người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên.

Luật Thuế tài nguyên quy định khung thuế suất đối với than antraxit hầm log và than khác là 4 – 20%; đối với than antraxit lộ thiên và than nâu, than mỡ là 6 – 20%. Căn cứ khung thuế suất, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ bảo đảm các nguyên tắc góp phần quản lý nhà nước đối với tài nguyên, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước và bình ổn thị trường.

Về thuế bảo vệ môi trường (BVMT), Quốc hội đã thông qua Luật Thuế BVMT, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Theo đó, tại Luật Thuế BVMT quy định "than đá" thuộc đối tượng chịu thuế BVMT, không phân biệt than đá sản xuất trong nước và than đá nhập khẩu để tiêu thụ trong nước hoặc nhập khẩu sản xuất để xuất khẩu. Trường hợp than đá xuất khẩu ra nước ngoài do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở sản xuất kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu thì không phải nộp thuế BVMT. Trường hợp than đá mua để xuất khẩu thì cơ sở sản xuất hàng hóa phải kê khai nộp thuế BVMT khi bán hàng hóa.

Về phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 về thu phí BVMT đối với nước thải và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2004. Do đó, khung pháp lý về BVMT đối với nước thải đã được xây dựng và thực hiện hơn 15 năm qua.

Kể từ ngày 1/1/2017, phí BVMT đối với nước thải được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ. Theo đó, phí BVMT đối với nước thải công nghiệp được quy định dựa trên 06 chất gây ô nhiễm, cụ thể là nhu cầu oxy hóa học (COD), chất rắn lơ lửng (TSS), thủy ngân (Hg), chì (Pb), Arsenic (As) và Cadmium (Cd).

Việc quy định thu phí dựa vào số chất gây ô nhiễm đã đảm bảo nguyên tắc người gây ô nhiễm nhiều hơn phải trả phí nhiều hơn, qua đó góp phần xử lý nước thải hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 về việc thoát nước và xử lý nước thải đã quy định cụ thể về giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, trong đó quy định khung pháp lý để thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn xử lý nước hiện hành.

Đối với phí khai thác khoáng sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2016/NĐ-CP về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Theo đó, khung mức phí áp dụng đối với khai thác than vẫn giữ nguyên như quy định tại Nghị định số 12/2016/NĐ-CP là 6.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn. Mức thu cụ thể giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Đối với đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác khoáng sản, Nghị định số 12/2016/NĐ-CP và Nghị định số 164/2016/NĐ-CP quy định thu 200 đồng/m3. Riêng khai thác than, chưa thu phí đối với đối tượng này đến hết năm 2017 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Định nghĩa rõ các tiêu chí để được hưởng thuế suất 0%

Tại Khoản 3 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT quy định: Mức thuế suất  0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ một số trường hợp theo quy định.

Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

Để quy định chi tiết điều này, tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT quy định:

Đối với dịch vụ xuất khẩu bao gồm dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, tiêu dùng trong khu phi thuế quan.

Trường hợp cung cấp dịch vụ mà hoạt động cung cấp vừa diễn ra tại Việt Nam, vừa diễn ra ở ngoài Việt Nam nhưng hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa hai người nộp thuế tại Việt Nam hoặc có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với phần giá trị dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất 0% trên toàn bộ giá trị hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng không xác định riêng phần giá trị dịch vụ thực hiện tại Việt Nam thì giá tính thuế được xác định theo tỷ lệ (%) chi phí phát sinh tại Việt Nam trên tổng chi phí.

Cá nhân ở nước ngoài là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và ở ngoài Việt Nam trong thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với dịch vụ xuất khẩu, khái niệm tiêu dùng ngoài Việt Nam được chia theo các nhóm sau: dịch vụ trực tiếp cho tài sản là bất động sản mà bất động sản đó nằm ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải và phương tiện được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Dịch vụ được thực hiện trực tiếp liên quan đến hàng hóa được lưu giữ, trưng bày hoặc lưu thông ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc tại khu phi thuế quan (bao gồm khu cách ly); Dịch vụ được thực hiện ngoài lãnh thổ; Dịch vụ cung cấp bằng phương tiện điện tử.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình các cấp có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết hơn việc áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu để tránh vướng mắc trong thực hiện.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng ghi nhận kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp nhằm xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu vang và rượu mạnh, đảm bảo ổn định và đơn giản.

Chinhphu.vn