Bản Để In

Bộ trưởng GTVT ra 'tối hậu thư' giải ngân vốn đầu tư công năm 2021

(Chinhphu.vn) - "Kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn".

06/15/2021 05:41
Bộ GTVT vừa có Chỉ thị yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021. Ảnh: VGP.
Đây là nội dung trong Chỉ thị số 06 vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký ban hành về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải phân công trách nhiệm cụ thể lãnh đạo đơn vị, cán bộ theo dõi tiến độ thực hiện các dự án. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thủ tục điều chỉnh thiết kế, dự toán; thủ tục quyết toán các dự án; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải chủ động, quyết liệt chỉ đạo, cử cán bộ có đủ thẩm quyền thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án căn cứ kế hoạch giải ngân chi tiết hàng tháng đã được Bộ GTVT chấp thuận để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành thực hiện; đảm bảo kế hoạch giải ngân tổng thể các dự án của Bộ GTVT trong năm 2021: Hết tháng 12/2021 đạt tối thiểu 90% kế hoạch và đến 31/01/2022 phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch.

Trong đó, các dự án có nguồn vốn kéo dài từ kế hoạch năm 2020 phải giải ngân toàn bộ trước ngày 31/12/2021.

Đối với một số dự án mới được giao bổ sung kế hoạch, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án căn cứ tiến độ triển khai, cập nhật, chuẩn xác kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng còn lại trong năm 2021 gửi Bộ GTVT để lãnh đạo Bộ GTVT xem xét, chấp thuận làm cơ sở chỉ đạo, điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị…

Bộ trưởng yêu cầu Vụ Kế hoạch và đầu tư (Vụ KH&ĐT) khẩn trương tham mưu Bộ GTVT giao kế hoạch năm cho các dự án ngay sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư; tổ chức theo dõi chặt chẽ kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công của từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án; phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công đối với các dự án phát hiện có vướng mắc, trì trệ trong công tác giải ngân.

Vụ KH&ĐT chủ động đề xuất các giải pháp xử lý điều hành kế hoạch, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

"Vụ KH&ĐT tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT có văn bản chấn chỉnh kịp thời các đơn vị có biểu hiện gây khó khăn, chậm trễ trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch”, Bộ trưởng yêu cầu.

Cục QLXD&CLCTGT khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, thiết kế, dự toán, điều chỉnh thiết kế, dự toán các dự án, khi nhận được hồ sơ do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trình. Trong đó, Cục QLXD&CLCTGT cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện đầu tư các dự án, đặc biệt với các dự án lớn, quan trọng như dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ…, và các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân chậm (một số dự án đường sắt, đường bộ cấp bách, dự án do Sở GTVT Kon Tum làm chủ đầu tư).

“Kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2021 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, trừ lý do bất khả kháng. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lấy tiêu chí kế hoạch giải ngân của đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cán bộ có liên quan”, Chỉ thị nêu rõ.
Năm 2021, Bộ GTVT được giao kế hoạch khoảng 43.401 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 5/2021, Bộ GTVT giải ngân được 13.516 tỷ đồng, đạt 32,7% kế hoạch cả năm. Riêng tháng 5/2021, Bộ GTVT giải ngân được 2.898 tỷ đồng.

Hiện nay,  một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT. Điển hình là Sở GTVT Kon Tum mới giải ngân 31/345 tỷ đồng, đạt 9% kế hoạch, chậm 94 tỷ đồng. Sở GTVT Gia Lai cũng mới giải ngân 34/158 tỷ đồng, đạt 21,5% kế hoạch, chậm 41 tỷ đồng.
Phan Trang