chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
![]() |
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh |
“Đúng là chỉ số CPI nước ta trong 6 tháng đầu năm rất thấp, có thể nói là thấp nhất 10 năm qua, theo tính toán của Tổng cục Thống kê. Nếu như CPI giảm thấp, kèm theo sự giảm sút của tăng trưởng GDP là điều đáng lo ngại, vì đó là dấu hiệu giảm phát”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, mặc dù CPI chỉ tăng 0,55%, sản xuất vẫn tăng. Trong quý 1, GDP ước tăng 6,03%, đến nay, Tổng cục Thống kê tính lại là 6,08%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,28%, là mức cao nhất trong nhiệm kỳ này (từ năm 2011 trở lại đây), cũng là tăng cao nhất trong 10 năm gần đây.
“Như vậy, CPI thấp không phải là vấn đề lo lắng, vì chúng ta vẫn đang tăng trưởng ổn định, quý sau cao hơn quý trước”, Bộ trưởng khẳng định.
Nguyên nhân lớn khiến CPI tăng thấp là giá dầu thế giới giảm mạnh từ cuối năm 2014. Nguyên nhân thứ hai là nguồn cung lương thực thực phẩm, chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá tính CPI, trong quý 1 liên tục ổn định.
3 thách thức của nền kinh tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nêu 3 thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam đặt ra sau nửa đầu năm 2015 cần tập trung phối hợp giải quyết.
Trước tiên là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tăng trưởng tương đối kém, nếu như năm ngoái mức đóng góp vào GDP lĩnh vực này là 3,44%, thì 6 tháng đầu năm nay, nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 2,17%. Nguyên nhân do thời tiết hạn hán (miền Trung), khó khăn về vấn đề thị trường cho nông, thủy hải sản (cá da trơn, cá tra, tôm…).
Thứ hai là lĩnh vực xuất nhập khẩu, mức nhập siêu lên tới 4,7% so với kim ngạch xuất nhập khẩu, gần tới mức giới hạn chỉ tiêu nhập siêu không quá 5% kim ngạch xuất nhập khẩu do Quốc hội giao. Do đó, đến cuối năm phải nỗ lực khắc phục việc thâm hụt cán cân thanh toán, giảm áp lực tỷ giá.
Giải pháp được đưa ra là cần phải quyết liệt thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Ở chiều ngược lại phải kiểm soát chặt việc nhập khẩu, giảm mức nhập khẩu với các mặt hàng không thiết yếu cho đời sống, tiêu dùng xa xỉ bằng các hàng rào kỹ thuật.
Thách thức lớn thứ ba là đấu tranh mạnh hơn với hàng lậu, hàng giả hàng nhái để thúc đẩy sản xuất trong nước. Hiện nay xuất nhập khẩu phụ thuộc quá nhiều vào DN FDI cũng là một vấn đề cần xem xét. Cần tăng cường hỗ trợ, có chính sách phát triển các DN tư nhân của Việt Nam, xây dựng thương hiệu hiệu quả hơn.
“Chúng ta cần có khu vực kinh tế của Việt Nam, trực tiếp là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh. Từ đó, chúng ta có thương hiệu Việt Nam, tự chủ nền kinh tế tốt hơn, đóng góp vào tăng trưởng nhiều hơn. Đây là điều chúng tôi rất trăn trở, làm sao sớm vực dậy khu vực doanh nghiệp này, để tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai”, Bộ trưởng nói.
Thành Đạt