Bản Để In

Bộ trưởng Vinh: Hàng loạt cơ hội cho nhà đầu tư Nhật

(Chinhphu.vn) - Các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ rất thuận lợi khi sử dụng tên tuổi là nhà đầu tư Việt Nam tham gia đầu tư vào các nước ASEAN.

12/09/2014 11:13
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Đối thoại chính sách lần thứ hai giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) vừa được tổ chức ngày 8/12/2014. Hai bên đã dành cả buổi đối thoại để bàn cụ thể cách doanh nghiệp Nhật Bản tận dụng cơ hội khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Báo Đầu tư cho hay tại cuộc đối thoại, hai vị đồng chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật – Việt của Keidanren đặt hàng loạt câu hỏi khá thẳng thắn về cơ hội nào dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong các chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam. Trong đó, mối lo ngại về nặng lực cạnh tranh của Việt Nam so với ASEAN 6 không hề nhỏ.

Bộ trưởng Vinh cho rằng, những thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể được nhìn nhận là cơ hội của không ít các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản.

Cụ thể, trong tháng 12 này, dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ được thông qua, kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng. Trong năm 2015, Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ được hoàn tất.

Cùng với đó là các hoạt động đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mua bán và sáp nhập, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng hơn các kế hoạch đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam theo đúng nhu cầu mà các nhà đầu tư Nhật Bản đã khuyến nghị từ nhiều năm nay.

Các hoạt động lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động kỹ năng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không còn giới hạn trong vùng địa giới của Việt Nam. Kể cả hoạt động đầu tư trực tiếp cũng sẽ thay đổi lớn khi AEC có cơ chế ưu đãi tốt nhất dành cho các doanh nghiệp nội khối. Như vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ rất thuận lợi khi sử dụng tên tuổi là nhà đầu tư Việt Nam tham gia đầu tư vào các nước ASEAN.

Cũng theo Bộ trưởng, việc Việt Nam gia nhập AEC sẽ buộc cả nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam đối mặt trực tiếp với  những đòi hỏi cao hơn, chuẩn mực hơn trong cả môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Việt Nam chấp nhận luật chơi nghĩa là chấp nhận phải cải thiện mới thu hút được vốn, được nhà đầu tư”, Bộ trưởng Vinh khẳng định những xu hướng cải cách môi trường kinh doanh đã rất rõ rệt thông quan một loạt văn bản liên quan đến đầu tư – kinh doanh vừa được ban hành như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). 

Thanh Hằng