Bản Để In

Bộ trưởng Y tế gặp khó trong nỗ lực loại bỏ “giấy phép con”

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ đang dự kiến dự thảo 12 Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để trình Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình này, Bộ đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

04/15/2016 04:58
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã báo cáo Chính phủ về một số khó khăn trong việc xây dựng các Nghị định về điều kiện kinh doanh-Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, bà khẳng định Bộ Y tế đang cùng Chính phủ nỗ lực rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các điều kiện kinh doanh tại các thông tư mà thường được gọi là các “giấy phép con”.

Thưa Bộ trưởng, Luật Đầu tư năm 2014 quy định các Bộ không được phép ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. Thực hiện yêu cầu này, Bộ Y tế đang xây dựng hàng loạt Nghị định về điều kiện kinh doanh để trình Chính phủ. Xin Bộ trưởng cho biết thông tin cụ thể hơn?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thực hiện Luật Đầu tư và triển khai thực hiện Nghị Quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã thành lập ban chỉ đạo và phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng vụ, cục rà soát các văn bản quy định về điều kiện kinh doanh.

Đúng là Bộ Y tế đang có nhiều Thông tư quy định điều kiện kinh doanh, được ban hành trước khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực. Đó là do chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là lĩnh vực nhậy cảm, cần quản lý chặt chẽ để bảo đảm tốt nhất sức khỏe người dân. Các luật, nghị định đã quy định các điều kiện khung, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định điều kiện cụ thể, từ đó Bộ ban hành các thông tư.

Mặt khác các quy định hướng dẫn này chủ yếu liên quan đến quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, nên có liên quan đến việc kiểm soát các điều kiện kinh doanh mà Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có ý kiến khi báo cáo Chính phủ mới đây.

Theo Luật Đầu tư năm 2014, có 19 ngành, nghề đầu tư đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Sau khi rà soát, Bộ Y tế dự kiến xây dựng 12 Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để trình Chính phủ ban hành, các Nghị định này bao trùm các lĩnh vực quản lý của Bộ.

Bộ Y tế đang cùng với các bộ ngành và Chính phủ nỗ lực rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19.

Các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá cao việc Bộ Y tế xây dựng các Nghị định về điều kiện kinh doanh để trình Chính phủ, thay vì tự ban hành các thông tư. Nhưng trong quá trình xây dựng các dự thảo này, có lẽ Bộ cũng gặp không ít khó khăn, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Việc nâng toàn bộ các quy định từ cấp độ thông tư lên nghị định gặp nhiều khó khăn . Do trên thực tế, có rất nhiều nội dung rất chi tiết và chỉ mang tính kỹ thuật đơn thuần, lại thường xuyên thay đổi theo tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ví dụ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nếu quy định trong Nghị định thì còn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nữa hay không?

Một vấn đề nữa cũng vướng mắc. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì khái niệm kinh doanh được hiểu là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình, đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Nếu đối chiếu với định nghĩa này thì việc mua bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc 19 ngành nghề trong lĩnh vực y tế quy định tại Luật Đầu tư là kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, trên thực tế có một số trường hợp việc mua bán lại không cần điều kiện ví dụ việc mua bán bao cao su, bơm kim tiêm, là các thiết bị y tế nhưng hoàn toàn có thể mua bán tại các cơ sở kinh doanh thông thường như siêu thị, cửa hàng tạp hóa.

Để giải quyết những vướng mắc nêu trên, Bộ Y tế đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn về điều kiện kinh doanh, đồng thời kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể thêm về các vấn đề này và phối hợp với các bộ ngành để báo cáo Chính phủ xem xét tháo gỡ trong kỹ thuật xây dựng các Nghị định này.

Yêu cầu cấp bách đang đặt ra với quản lý nhà nước là phải vừa bảo đảm mục tiêu quản lý, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Định hướng của Bộ như thế nào để đạt mục tiêu này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế xác định rõ điều quan trọng nhất là cần hướng dẫn, hỗ trợ, tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật:

Bộ Y tế luôn hướng tới việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch, có như vậy mới nâng cao được hiệu lực của pháp luật và nhận được sự đồng thuận của xã hội, trong đó có các doanh nghiệp.

Bộ sẽ tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin một cách cách đầy đủ, cập nhật và toàn diện thông qua các hình thức  như website Bộ, phương tiện thông tin đại chúng hay các sự kiện.

Bộ cũng sẽ phát hiện và  điều chỉnh kịp thời các bất cập về pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, bảo đảm cho văn bản quy phạm pháp luật luôn đi cùng thực tiễn để theo kịp, giải quyết được các nhu cầu vốn thay đổi rất nhanh chóng trong thời đại ngày nay.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của các doanh nghiệp trong việc góp ý kiến xây dựng chính sách?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động có ý nghĩa hết sức quan trọng để pháp luật phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động ban hành văn bản pháp luật.

Nhận thức rõ việc tham gia góp ý của các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-BYT ngày 30/6/2014 quy định rõ việc bắt buộc phải xin ý kiến của các doanh nghiệp có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của văn bản.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo xin ý kiến chuyên đề đối với khối doanh nghiệp và tại các diễn đàn các bên đã trao đổi thẳng thắn.

Tuy nhiên, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay vẫn chưa nhận được sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Để cải thiện tình trạng này, Bộ Y tế sẽ tăng cường cung cấp cấp các thông tin trong quá trình lấy ý kiến doanh nghiệp như: đăng tải toàn văn dự thảo văn bản lên cổng thông tin điện tử, tập hợp các thông tin liên quan, kịp thời đưa lên website của Bộ, cung cấp địa chỉ các đơn vị đầu mối lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và có cơ chế giám sát định kỳ việc thực hiện yêu cầu này.

Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Thúy Hà (thực hiện)