Bản Để In

Cải cách thuế, hải quan vẫn chậm dần từ trên xuống

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành thuế và hải quan cải cách tích cực, nhưng dường như vẫn thiếu sự đồng bộ. Tốc độ cải cách vẫn chậm dần đều từ trên xuống.

10/31/2015 07:21

Ảnh minh họa

Đây là những nội dung tại Hội nghị Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2015 do Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 29/10.

Có chuyển biến nhưng còn nhiều vướng mắc

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, với kết quả khảo sát mức độ hài lòng của các DN đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế năm 2014 do VCCI thực hiện, có 95% DN cho biết lĩnh vực thuế có sự chuyển biến tích cực.

Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, thời gian qua, ngành thuế, hải quan là một trong những lực lượng tiên phong trong việc cải cách hành chính, thuế, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, tuy nhiên vẫn còn nhiều DN còn chưa hài lòng, cần phải tăng cường đối thoại để tháo gỡ.

Các ý kiến phản hồi của DN về các vướng mắc trong lĩnh vực thuế chủ yếu là những hạn chế liên quan đến chính sách từ năm 2015 trở về trước như: Ưu đãi thuế cho DN đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng, đầu tư thường xuyên; phương pháp hướng dẫn kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với trường hợp bị trả lại hàng hóa, chứng từ thanh toán qua ngân hàng quá thời hạn hợp đồng.

Còn về lĩnh vực hải quan, các DN than phiền về vấn đề thời gian, phương thức làm việc, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu chưa thực sự hiệu quả. Việc kiểm tra bị kéo dài, chưa phù hợp, khiến cho DN tăng chi phí, thời gian lưu kho, lưu bãi tại cảng, trong khi đó chất lượng kiểm tra, hiệu quả kiểm tra chưa đạt được.

Cụ thể, một DN hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và thuốc bảo vệ thực vật cho biết DN cảm thấy vất vả trong việc kiểm tra chuyên ngành khi tốn đến 620 triệu đồng và cử thêm 1 nhân viên chuyên cho việc này trong 9 tháng. Có những mẫu hàng đơn giản với tiền thuế chỉ vài triệu đồng nhưng mất 8 triệu đồng để kiểm tra chuyên ngành, bất cập này khiến không ít DN nhỏ tìm cách trốn lậu thuế cho nhanh, đỡ tốn kém…

Hay một lô hàng thuốc bảo vệ thực vật, DN phải mất 15 ngày mới thông quan được, nếu gặp ngày thứ sáu thì phải đến thứ hai mới được giải quyết. Về dịch vụ, hải quan điện tử, theo DN, vẫn chưa tiết kiệm nhiều cho DN bởi vẫn chưa có sự liên kết với các đơn vị liên quan, ngay cùng một cửa khẩu cũng chưa có sự đồng bộ, từ xe vào, xe ra, bến bãi … vẫn 100% là thủ công.

Cần tháo gỡ điểm nghẽn nhanh hơn

Như vậy, thông qua một số ý kiến trong số khoảng 500 DN đối thoại cho thấy, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành thuế và hải quan cải cách tích cực, nhưng dường như vẫn thiếu sự đồng bộ. Tốc độ cải cách vẫn chậm dần đều từ trên xuống. Dù có những hoàn thiện về khung pháp lý, cũng như bãi bỏ các thủ tục nhưng DN vẫn than phiền về sự phiền hà, máy móc của các đơn vị trực tiếp thực hiện giao dịch với DN.

Dẫn Báo cáo môi trường kinh doanh 2016 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 28/10, trong đó, Việt Nam đã tăng 4 bậc so với bảng xếp hạng năm trước, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, dù chỉ số về nộp thuế của Việt Nam tăng từ hạng 172 lên 168 nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng bởi đây là lĩnh vực trọng điểm trong mục tiêu cải thiện mà Nghị quyết 19 năm 2015 của Chính phủ đề ra.

Tại Hội thảo, lãnh đạo Bộ Tài chính đã giải đáp các vướng mắc mà DN đưa ra.

Về lĩnh vực hải quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết Bộ đang trình phương án kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng hóa theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Thứ trưởng Tuấn đồng tình với ý kiến của DN là một số mặt hàng cần giảm tần suất và yêu cầu, còn đối với những mặt hàng khác thì vẫn giữ nguyên.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết đang trình Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định để đảm bảo việc kiểm tra trọng tâm, trọng điểm đúng với đối tượng cần kiểm tra theo nguyên tắc quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất phát từ khu vực có rủi ro cao và tạo thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu phục vụ kinh doanh trong nước.

Ngoài ra, Thứ trưởng Tuấn cũng cho biết sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, con người tại 5 cửa khẩu chính: Hải Phòng, TPHCM, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh; tiến hành kiểm tra tại chỗ, kiểm tra có kết quả ngay, chính xác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa, đặc biệt là dịp Tết tới đây và đảm bảo an ninh cho nền kinh tế.

Còn với lĩnh vực thuế, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, phản án của DN là đúng nhưng ông cho rằng những vướng mắc chủ yếu tập trung ở cấp chi cục thuế. Thời gian tới, Bộ Tài chính có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ thuế ở cấp chi cục, đảm bảo thực thi pháp luật đầy đủ…

Về mặt chính sách, Bộ Tài chính ghi nhận các ý kiến và có kế hoạch xây dựng thông tư kịp thời hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế. Theo đó, các quy định mới sẽ đảm bảo hoàn thuế nhanh, đúng và kịp thời cho DN chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, DN xuất khẩu, DN có dự án đầu tư trọng điểm.

Anh Minh