Bản Để In

Cần một cú hích chính sách cho khởi sự kinh doanh

(Chinhphu.vn) - Số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập giai đoạn 2007-2013 gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2000-2006 nhưng tốc độ tăng trưởng đăng ký mới có xu hướng giảm sút trong những năm gần đây, đòi hỏi phải có những chính sách mới thông thoáng hơn nữa.

07/30/2014 01:17

 

Hội thảo “Luật DN và sự phát triển của DN: Nhìn từ góc độ nghiên cứu Chỉ số kinh doanh toàn cầu 2013”. Ảnh VGP/Công Việt

Đó là chia sẻ của TS Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo “Luật DN và sự phát triển của DN: Nhìn từ góc độ nghiên cứu Chỉ số kinh doanh toàn cầu 2013” được tổ chức sáng 29/7 tại Hà Nội.

Trong giai đoạn 2000-2006, trên 200 nghìn DN ra đời một phần nhờ sự ra đời của Luật DN năm 1999. Sau đó, Luật DN 2005 với việc thống nhất các quy định về thành lập và quản lý DN đã tạo nên một sự nhảy vọt mạnh mẽ với số lượng DN thành lập mới gấp 2,5 lần giai đoạn trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn của nền kinh tế, vai trò của Luật DN 2005 đã tới hạn và cần một cú hích mới về chính sách cho sự thành lập và phát triển DN.

Theo Báo cáo chỉ số kinh doanh Việt Nam 2013, cần khuyến khích việc thành lập các DN mới vì đây là khu vực chính tạo ra việc làm mới và tăng trưởng của nền kinh tế so với các DN đã đi vào ổn định.

Tại Nghị quyết 19 vừa được ban hành mới đây, Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2015 phải đơn giản và rút ngắn thời gian thành lập DN xuống còn tối đa 6 ngày và rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của DN.

TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho rằng bên cạnh việc rút ngắn về mặt thời gian, cần có những thay đổi trong hệ thống ưu đãi và hỗ trợ DN mới thành lập. Theo bà Hằng, từ trước tới nay, các chính sách ưu đãi chủ yếu tập trung vào hậu sản xuất mà ít để ý tới tiền sản xuất.

Trong khi đó, các DN gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn khởi nghiệp, bắt đầu bước vào sản xuất kinh doanh. Vì vậy, những quy định mang tính ưu đãi như giãn nộp thuế thu nhập DN cho các DN nhỏ và vừa trước năm 2013 sẽ thiếu thực tế vì DN không có lãi để hưởng ưu đãi này.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đưa ra những đóng góp quan trọng cho dự thảo Luật DN về các vấn đề định nghĩa kinh doanh, điều kiện kinh doanh, hậu kiểm, rút lui khỏi thị trường cũng như mối quan hệ giữa luật DN và luật về từng ngành nghề cụ thể.

Công Việt