Bản Để In

Cần tạo đột phá mới về cải cách điều kiện kinh doanh

(Chinhphu.vn) - Khó có nội dung cải cách nào được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, liên tục như các điều kiện kinh doanh, nhưng nhiều quy định sửa đổi lại mang tính hình thức hơn là thực chất.

02/27/2020 03:40
Các quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn những bất cập.

Tại hội thảo “Chất lượng điều kiện kinh doanh: Vấn đề và kiến nghị” sáng 27/2, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, thời gian qua, cải cách quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thân thiện với doanh nghiệp là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ.

Cụ thể, từ năm 2017-2019 có tới gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về nội dung cải cách ĐKKD. Trong năm 2018, Chính phủ đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo liên quan. Năm 2019, ĐKKD vẫn là mục tiêu ưu tiên với hơn 10 văn bản chỉ đạo. Điều này cho thấy sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của của Chính phủ trong việc cắt giảm ĐKKD, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường.

Theo rà soát của Chính phủ, hiện đã có 29 văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành về cắt giảm ĐKKD, cắt bỏ gần 3.500 điều kiện kinh doanh. Tuy vậy, đây mới chỉ là thành công bước đầu, mới đạt về số lượng chứ chưa đạt về chất lượng.

Vẫn còn quy định có thể áp dụng tùy ý

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM nhận định “có lẽ khó có nội dung cải cách nào được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, liên tục như vậy”.

Về cơ bản các ĐKKD quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ. Nhiều ĐKKD trùng lặp được cắt bỏ, một số ĐKKD được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, theo các rà soát độc lập thì kết quả thực chất cắt giảm ĐKKD chỉ đạt khoảng hơn 30% chứ không phải là trên 50% như nhiều báo cáo. Nhiều trường hợp, các bộ chỉ cắt những quy định trùng lặp; cắt bỏ những điều kiện kinh doanh không có ý nghĩa quản lý do đó việc cắt bỏ không thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; một số quy định được tính là cắt bỏ nhưng thực chất chỉ là các quy định về quy trình, không phải điều kiện kinh doanh; những điều kiện kinh doanh quy định theo pháp luật chuyên ngành không nêu cụ thể mà lại dẫn theo pháp luật chuyên ngành.

“Vẫn còn những ĐKKD không cần thiết, bất hợp lý, không đạt hiệu quả quản lý và còn nhiều ĐKKD thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý Nhà nước”, bà Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.

“Với các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam thì ngay cả những người thành công bên Mỹ như Bill Gates cũng sẽ không làm được gì trong ngành công nghệ thông tin”, bà Nguyễn Minh Thảo nói. Bà Thảo giải thích: Nếu Bill Gates mà thành lập và điều hành Microsoft ở Việt Nam, thì chắc chắn sẽ không thể được. Đơn giản là vì ông ta không có chứng chỉ, bằng cấp về công nghệ thông tin, không có bằng đại học.

Cũng theo bà Thảo, mặc dù các bộ báo cáo đã hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm ĐKKD, nhưng chưa có báo cáo đánh giá nào của các bộ về hiệu quả và tác động của cách ĐKKD và thiếu giám sát việc tổ chức thực hiện. Để tạo đột phá mới về cải cách điều kiện kinh doanh, CIEM cho rằng cần phải thay đổi cách thức quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh sang hậu kiểm.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, để việc cải cách ĐKKD có sức lan tỏa mạnh và đi vào cuộc sống, thời gian tới cần tạo đột phá mới về cải cách ĐKKD; thay đổi cách thức quản lý Nhà nước (QLNN) về ĐKKD, chuyển mạnh sang hậu kiểm; doanh nghiệp chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh khi đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về ĐKKD, chỉ cần thông báo mà không cần phải xin phép cơ quan QLNN, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc đáp ứng các yêu cầu ĐKKD. Cơ quan QLNN thực hiện kiểm tra hậu kiểm trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Xu hướng “đáng lo ngại”

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: “Cải cách ĐKKD có thể coi là “thương hiệu” của Chính phủ nhiệm kỳ này. Từ 2016, Chính phủ đã bãi bỏ được hàng nghìn ĐKKD”.

Cũng như bà Thảo, ông Tuấn nói hiện nay việc cắt giảm ĐKKD có thể hoàn thành về mặt số lượng, nhưng chất lượng là vấn đề cần bàn. Năm 2019, theo điều tra của VCCI, doanh nghiệp đánh giá cao hơn sự chuyển động về cắt giảm ĐKKD, tỷ lệ khó khăn trong kinh doanh có giảm đi. Nhưng nếu nhìn lại thì khái niệm ĐKKD chưa rõ, vẫn còn lẫn lộn giữa ĐKKD và tiêu chuẩn kỹ thuật. “Nhiều cái chưa rõ nên còn lúng túng trong thực hiện”, ông Tuấn nói.

Khái quát những tồn tại, ông Tuấn nói rằng, tư duy cách thức quản lý chưa bảo đảm quyền tự do kinh doanh. Bởi đơn giản ĐKKD là giới hạn quyền tự do kinh doanh hiến định. Có đôi khi, trong các tờ trình của các bộ vẫn đặt là mục tiêu ban hành các ĐKKD là để bảo đảm “quản lý nhà nước”. Điều này không đúng vì quản lý nhà nước không phải là mục tiêu duy nhất của chính sách.

Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn sử dụng các giải pháp hành chính để can thiệp vào thị trường. Rồi việc sửa đổi danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn không được các bộ đồng thuận. Thậm chí, xu hướng hiện nay là cơ quan nhà nước muốn thêm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ không phải là bớt đi. Điều này rất đáng lo ngại, ông Tuấn nhận định.

“Để cải cách ĐKKD hiệu quả, các Bộ, ngành cần đánh giá hiệu quả cải cách trong từng lĩnh vực; tiếp tục rà soát, đề xuất, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; giám sát việc tổ chức, xử lý nghiêm những hành vi cố tình gây khó cho doanh nghiệp; cần thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp doanh nghiệp phát triển mạnh và bền vững”, ông Tuấn phát biểu.

Thanh Hằng