Bản Để In

Câu hỏi từ một đề xuất thuế bị bỏ qua

Việc đánh thuế hay không đánh thuế một mặt hàng nào sau khi cân nhắc là chuyện bình thường. Vấn đề là cơ quan dự thảo đã từ bỏ nó dễ như lúc đề xuất, khiến nhiều người đặt câu hỏi.

08/18/2014 09:42

Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương, Công ty Bia - Nước giải khát Sài Gòn Tây Đô, Công ty Tân Hiệp Phát hay Coca-Cola, Pepsi... đều thở phào nhẹ nhõm khi nhận được thông tin Bộ Tài chính từ bỏ phương án đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với mặt hàng nước ngọt có gas không cồn.

Trước đó, các cuộc vận động nhằm bác bỏ ý định này của Bộ Tài chính diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều nhất là các cuộc hội thảo do Hiệp hội Rượu - Bia, Nước giải khát, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Lý lẽ đưa ra chủ yếu theo hướng “muốn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt phải tìm được lý do đặc biệt để đánh thuế”. Một số tổ chức và hiệp hội ngành hàng nước ngoài thì tìm cách chứng minh nước ngọt có gas không cồn không gây béo phì, đồng thời nêu quan điểm nếu đánh thuế để hạn chế việc sử dụng chúng sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam (88% thị phần mặt hàng này thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài).

Lý do bác bỏ ý định của Bộ Tài chính không hẳn đã khoa học, chặt chẽ song bộ này lại tỏ ra lúng túng. Nhiều ý kiến ở các doanh nghiệp, bộ, ngành liên quan đề nghị Bộ Tài chính trình ra những căn cứ thuyết phục, ví dụ mặt hàng này gây hại sức khỏe ra sao, vì đây là căn cứ tác động mạnh nhất đến quyết định đánh thuế. Ngoại trừ một số nghiên cứu chung chung của nước ngoài, bộ chưa chứng minh được nhiều. Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị nếu có đánh giá tin cậy của các cơ quan chức năng về tác động không tốt đến sức khỏe thì có thể tăng mức thuế suất đề xuất lên cao hơn nữa, Bộ Tài chính cũng không làm được gì hơn. Bộ chỉ bổ sung một cách hơi... lạc đề rằng, nếu đánh thuế, giá thành một lon nước ngọt sẽ đắt hơn, dù không nhiều, nhưng cũng sẽ làm giảm lượng tiêu thụ. Nói cách khác, tuy có ảnh hưởng chút chút đến sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp song lại... thu được thuế.

Vì vậy hay vì sao mà dù có đến 71/75 ý kiến bộ, ngành, địa phương, hiệp hội được hỏi nhất trí bổ sung nước ngọt có gas không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, cuối cùng Bộ Tài chính lại... chào thua?

Trong tờ trình Chính phủ đề ngày 20/5/2014, bộ còn viện dẫn các căn cứ để đánh thuế thì tại tờ trình ngày 25/6 tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, bộ không còn nêu quan điểm của mình. Tờ trình ngày 25/6 viết: “Bộ Tài chính không chọn một trong hai phương án trên (đánh thuế và không đánh thuế) mà trình Chính phủ cân nhắc, quyết định. Thế nhưng, sau đó, nó lại có dòng bổ sung thêm rằng, trong bối cảnh hiện nay, để “phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế”, Bộ Tài chính lựa chọn phương án không thu thuế (?).

Quan điểm ngược hẳn này khiến dư luận và cả doanh nghiệp ngạc nhiên (dù họ vui mừng). Tại sao Bộ Tài chính lại tự bác đề nghị một cách đơn giản, dễ dàng đến thế? Nó cho thấy sự cẩu thả, thiếu tôn trọng của chính những người trong cuộc về “sản phẩm” của mình. Từ đó người ta có quyền đặt câu hỏi, có hay không những sắc thuế được đề xuất một cách không có cơ sở khoa học chắc chắn, nhưng vì không bị phản ứng mạnh, nên đã thành hình, đang áp đặt doanh nghiệp thực hiện? Thứ nữa là Bộ Tài chính mong muốn thu được 1.500 tỉ đồng mỗi năm nếu sắc thuế này được thông qua, vậy tại sao không bỏ thời gian, kinh phí đặt hàng các đơn vị độc lập, có uy tín, nghiên cứu xem nước ngọt có gas không cồn có hại cho sức khỏe thế nào và cần thiết phải thu thuế ra sao?

Kiểu làm chính sách thế này dù có được thực thi hay không cũng gây ảnh hưởng, xáo trộn đến cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó đáng phải cải cách một cách quyết liệt trước và hơn việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế như Chính phủ yêu cầu.

Theo Lan Nhi - Thời báo Kinh tế Sài Gòn