Bản Để In

Chấn chỉnh tình trạng ‘điều chỉnh quy hoạch phải đi 33 lần’

(Chinhphu.vn) – Thủ tướng nhắc tới một số ví dụ về tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc của một số cơ quan, như một địa phương lên Sở Xây dựng để điều chỉnh quy hoạch mà phải đi 33 lần, có doanh nghiệp trong một tháng phải đón tiếp đến 8 đoàn thanh tra, kiểm tra…

05/04/2018 09:53

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa diễn ra ngày 3/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018. - Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, trong 4 tháng qua, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Cả nước có trên 41.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 11.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng số vốn đăng ký mới bổ sung trên 1,16 triệu tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chúng ta xử lý nghiêm một số vụ việc tạo niềm tin cho nhân dân và tạo môi trường đầu tư như Công an TP.Hải Phòng đã khởi tố vụ án thuốc ung thư làm từ bột than tre, hay ở Đắk Nông khởi tố vụ vỏ cà phê nhuộm than pin…

Đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải cách, Thủ tướng cho rằng, cần mạnh mẽ, toàn diện hơn, đồng thời nêu ví dụ, chỉ số tham gia thị trường của các doanh nghiệp của Việt Nam còn thấp (đứng thứ 123/190), rời thị trường cũng gặp khó khăn, đặc biệt xử lý vấn đề phá sản doanh nghiệp (đứng thứ 129). Có nhiều khoản phí, lệ phí còn cao, nhất là chi phí logistics và kiểm tra chuyên ngành.

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, giải thể còn lớn. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có trên 26.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, số doanh nghiệp giải thể gần 4.700, tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Nhiều Bộ đã chủ động, mạnh mẽ, quyết liệt trong cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, nhưng cũng có nhiều Bộ chưa chủ động. Có tình trạng “trên nóng, dưới nóng, ở giữa lạnh”, tức là cấp trung gian như huyện, sở, vụ, cục… chưa vào cuộc.

“Sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng có báo cáo tôi một địa phương đã lên Sở Xây dựng để điều chỉnh quy hoạch mà đi 33 lần. Cho nên người ta có nói câu: Trên nóng, dưới nóng nhưng ở giữa thì lạnh”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn “sức nóng” phải lan tỏa toàn bộ máy, trong đó cấp trung gian là vụ, cục, sở, huyện phải chuyển biến mạnh mẽ hơn thì cả bộ máy mới chuyển biến được.

Lưu ý việc khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan, Thủ tướng cho biết có nghe thông tin có doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp sạch tại Hà Nội trong một tháng phải đón tiếp đến 8 đoàn thanh tra, kiểm tra. Doanh nghiệp phải thành lập bộ phận 3 người với quỹ lương 30 triệu đồng/tháng chỉ chuyên đón tiếp, phục vụ yêu cầu về giấy tờ, sổ sách cho các đoàn thanh tra, kiểm tra. Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội kiểm tra thông tin, chấn chỉnh tình trạng này.

“Hôm nay, có đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ở đây, phải chủ trì xem lại việc có những doanh nghiệp bị kiểm tra đi, kiểm tra lại nhiều lần, chồng chéo kiểm tra. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì, rà soát lại các quy định thanh tra, kiểm tra, thúc đẩy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20 của Thủ tướng.

Thủ tướng nêu rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được xác định nhất quán là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Cần rà soát cơ chế chính sách, quy định pháp luật, nếu không còn phù hợp, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội thì cần sửa ngay.

Trong đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh. Tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành tài chính phát động phong trào toàn ngành liêm chính.

Hà Chính