Bản Để In

Chỉ 5 nhà máy được vào quy hoạch của Bộ GTVT

(Chinhphu.vn) – Theo Quy hoạch phá dỡ tàu cũ được Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua, trình Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt, cả nước chỉ có 5 điểm được thực hiện phá dỡ tàu cũ. Trong khi đó, thủ tục để đưa các cơ sở phá dỡ tàu cũ vào hoạt động dự kiến cũng mất 270 ngày.

10/08/2015 07:18
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Theo bản quy hoạch mới được Bộ GTVT xây dựng, dự kiến sẽ có 5 nhà máy có khả năng xử lý chất thải, đảm bảo môi trường được chuyển thành các điểm phá dỡ tàu cũ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, mục tiêu của Quy hoạch nhằm quản lý hoạt động phá dỡ tàu biển hiện nay đang được triển khai một cách bừa bãi, không định hướng, không có giấy phép hoạt động, dẫn đến gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Nguyên tắc của quy hoạch là không khuyến khích mở rộng nhiều cơ sở, mà chủ yếu tập trung trên cơ sở một số cơ sở đã có hạ tầng về đóng, sửa chữa tàu; quản lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường; gần các nhà máy chế biến gang, thép có nhu cầu về nguyên liệu sắt thép.

Hiện có 5 cơ sở nằm trong quy hoạch có khả năng tham gia vào phá dỡ tàu, trong đó có 4 nhà máy tại Hải Phòng, Quảng Ninh và 1 nhà máy ở miền Trung. Khu vực phía Nam có 15 nhà máy đóng tàu sửa chữa nhưng không được xác định phát triển phá dỡ tàu cũ.

Theo Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB-đơn vị tư vấn quy hoạch), hiện ngoài các nhà máy nằm trong quy hoạch công nghiệp tàu thủy, còn có 8 cơ sở phá dỡ khác gồm 7 cơ sở tại Hải Phòng và vùng phụ cận, trong đó đa phần là các cơ sở thực hiện phá dỡ không phép, không có hồ sơ về bảo vệ môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; 1 cơ sở tại miền Trung đến nay tạm ngừng không tham gia hoạt động phá dỡ.

Theo báo cáo của tư vấn, để đưa các cơ sở phá dỡ tàu cũ vào hoạt động khai thác, phải đảm bảo 8 thủ tục về môi trường gồm: Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMC); được cấp giấy xác nhận các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; lập kế hoạch bảo vệ môi trường đối với từng con tàu phá dỡ; được cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn quốc gia về môi trường đối với tàu biển nhập khẩu; giấy đăng ký chủ nguồn thải nguy hại; giấy xin phép xả nước thải vào nguồn nước; kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 140001.

Khảo sát của tư vấn cho thấy với 8 giấy phép này mất hơn 270 ngày, ông Lê Tấn Đạt, Phó Tổng giám đốc CMB cho biết tại một cuộc họp cuối tháng 7 vừa qua về Quy hoạch nói trên.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) Ngô Kim Định, 100% các doanh nghiệp muốn làm phá dỡ tàu cũ phải lập lại Báo cáo ĐMC, phải có giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 140001, phải đảm bảo thực hiện các quy định của Thông tư 12 về xử lý chất thải.

Ông Định cho biết thực tế, có doanh nghiệp làm một lần các thủ tục như vậy phải mất 1-2 năm vẫn chưa xong, mà là xin cấp lại thủ tục chứ không phải cấp lần đầu.

Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2014/NĐ-CP quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng. Đến tháng 8 vừa qua, Bộ GTVT cũng đã ban hành Thông tư số 37/2015/TT-BGTVT quy định thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.

Bộ GTVT ước tính doanh thu phá dỡ tàu cũ dự kiến đến 2020 đạt 4.100 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt khoảng trên 600 tỷ đồng, Nhà nước thu các khoản thuế, lệ phí khoảng 450 tỷ đồng. Lượng thép phế liệu thu hồi theo quy hoạch dự kiến đạt gần 239.000 tấn thép, đáp ứng khoảng 8% lượng thép phế liệu nhập khẩu hàng năm. 5 cơ sở nói trên có thể tạo việc làm cho khoảng 900 lao động trực tiếp, hàng nghìn lao động gián tiếp.

Thanh Hằng