Bản Để In

Chia sẻ của nhà khoa học được Thủ tướng “đặt hàng”

(Chinhphu.vn) - TS. Nguyễn Bá Hải cho biết việc dự án Mắt thần được Thủ tướng chấp thuận hỗ trợ kinh phí đã khơi dậy cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ và anh sẵn sàng tặng lại sáng chế này cho Nhà nước…

09/23/2015 06:47

TS Nguyễn Bá Hải trong giờ giảng dạy -Ảnh VGP/Trần Nhật Minh

Nhận bằng Tiến sĩ trước thời hạn ở tuổi 28 chuyên ngành Biorobotics (Robot sinh học) tại Hàn Quốc với 5 phát minh sáng chế, bằng khen và giải thưởng Đề tài Tiến sĩ tốt nhất của trường trong khoá tốt nghiệp, Nguyễn Bá Hải (giảng viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM) từ chối lời mời về một công việc với thu nhập khá cao tại Hàn Quốc và trở về Việt Nam.

Sau 4 năm, mới đây dự án Mắt thần của anh và cộng sự vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận hỗ trợ kinh phí lập đề án sản xuất với quy mô lớn, sau một đoạn đối thoại chỉ vài phút với 5 câu hỏi tại buổi đối thoại ngày 11/9 giữa người đứng đầu Chính phủ với các nhà khoa học trẻ tiêu biểu.

Dự án Mắt thần sẽ sản xuất thiết bị giúp người mù có thể nhận biết được vật thể, cảm nhận được độ xa gần, lớn nhỏ, cao thấp của vật cản từ vùng hông người dùng trở lên, từ đó giúp họ dễ dàng và an toàn hơn khi đi lại.

Cảm xúc của anh như thế nào sau khi được Thủ tướng chấp thuận hỗ trợ kinh phí cho một dự án trong một khoảng thời gian ngắn như vậy?

TS. Nguyễn Bá Hải: Đó là một sự bất ngờ và là niềm vui của không riêng gì tôi mà còn của tất cả những người khiếm thị ở Việt Nam, của tất cả những Mạnh Thường Quân trong và ngoài nước đang đồng hành, cũng như trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TPHCM – nơi đã và đang hỗ trợ mặt bằng, tạo điều kiện cho dự án.

Đặc biệt hơn, quyết định của Thủ tướng đã khơi dậy cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam.

Sau khi được Thủ tướng chấp thuận dự án, chắc hẳn anh và cộng sự sẽ còn rất nhiều việc phải làm?

TS. Nguyễn Bá Hải: Tất nhiên rồi. Sau khi Thủ tướng chấp thuận thì Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cũng đã chỉ đạo rất nhanh. Cục Công nghệ cao và Trung ương Đoàn cũng hết sức tích cực hỗ trợ tôi để làm sao việc tổ chức sản xuất quy mô lớn vẫn đảm bảo chất lượng, thậm chí còn nâng cao chất lượng hơn sản phẩm cũ nếu tính toán thật kỹ càng trước khi triển khai.

Rất may là trong 4 năm qua, một quy trình chặt chẽ đã được xây dựng. Những đối tượng được trao tặng mắt thần phải đủ hai điều kiện: Điều kiện cần là người khiếm thị hoàn toàn không thấy gì hoặc chỉ phân biệt được sáng tối và có nhu cầu đi lại; Còn điều kiện đủ là có hoàn cảnh khó khăn hoặc thuộc nhóm đối tượng đang sống ở biên giới, hải đảo, giáo viên, học sinh, nghệ sĩ, nạn nhân chiến tranh…

Nhóm đối tượng này sẽ được tặng mắt thần ngay. Việc này chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Trung ương Đoàn để rà soát, tổ chức trao tặng và chăm sóc hỗ trợ sau khi trao tặng. Vì tặng kính điện tử xong mà người khiếm thị không biết cách sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích thì cũng gây lãng phí rất lớn.

Cũng trong 4 năm qua, qua nhiều hoạt động, chúng tôi rất may mắn đã có mạng lưới cộng tác viên từ các tỉnh thành khá tốt.

Bắt nguồn từ đâu mà dự án của anh và cộng sự lại nhắm đến đối tượng phục vụ là người khiếm thị?

TS. Nguyễn Bá Hải: Trước đây tôi làm công tác thanh niên ở trường, phụ trách mảng khoa học và CLB tiếng Anh. Hồi đó tôi tính làm dự án băng nói cho người khiếm thị nhưng chưa kịp làm thì đi du học chuyên ngành công nghệ sinh học ở Hàn Quốc. Chính vì “món nợ” ân tình này mà khi trở về nước làm việc, có dịp đi ngang qua cơ sở của Hội người mù Thủ Đức, tôi đã quyết định áp dụng những công nghệ mới mình học hỏi được để làm ra sản phẩm phục vụ người khiếm thị.

Đầu tiên là chiếc nón nặng 2kg với chi phí 1.000 USD. Sau 4 năm với nhiều phiên bản, nay sản phẩm này là một chiếc kính nhỏ gọn chỉ nặng 200g với chi phí 100 USD. Chúng tôi đã cùng với các Mạnh Thường Quân trao tặng gần 1.000 thiết bị này cho người mù Việt Nam và cung cấp thiết bị này sang một số nước khác như Mỹ, Đức…

Ngoài dự án này, anh có đang thực hiện dự án nào khác không?

TS. Nguyễn Bá Hải: Có chứ. Tâm huyết của tôi là làm sao thực hiện được việc cung cấp rô-bốt thương mại hóa hàng loạt, ghi tên về lĩnh vực rô-bốt thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó có thể là một viên gạch, cũng có thể chỉ như một hạt cát trên sa mạc thôi, nhưng chắc chắn một điều là chỉ có áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm có tính chất xám cao mới có thể giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Những nỗ lực của chúng tôi cũng là sự tri ân lại với người dân cả nước, với Thủ tướng, với Bộ Khoa học Công nghệ, TW Đoàn đã tạo điều kiện và đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, nhất là những người đang làm trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Được biết trong quá trình làm khoa học, anh đã gặp nhiều khó khăn về vật chất, và mới đây anh đã phải bán chiếc xe của mình. Đó có phải là tất cả khó khăn?

TS. Nguyễn Bá Hải: Khó khăn thì nhiều lắm, việc bán chiếc xe chỉ là một trong hàng ngàn những khó khăn thôi. Nhưng tôi nghĩ vật chất thì mình có thể lo được, giống như ngày xưa chiến tranh, toàn dân Việt Nam đều đồng cam cộng khổ được mà.

Tôi thích làm khoa học. Tôi đã dùng tất cả tiền lương của mình đầu tư cho khoa học. Tôi từng bỏ tiền mua 4 chiếc xe cũ để phục vụ nghiên cứu, trong đó có chiếc Matiz là chiếc tốt nhất thì dành để đi làm. Thời điểm đó tôi đang rất cần tiền để làm rô-bốt. Lúc đó chỉ nghĩ bán giá nào cũng bán vì đang rất cần tiền để mua đồ và lo cho anh em trong nhóm yên tâm tiếp tục theo đuổi công trình nghiên cứu. Còn hiện tại thì tôi đang đi xe gắn máy của vợ (cười).

Nhưng được biết đã có doanh nghiệp đã từng đặt vấn đề mua lại sáng chế mắt thần của anh, tại sao anh không bán?

TS. Nguyễn Bá Hải: Có rất nhiều doanh nghiệp đã đề xuất mua lại sáng kiến để thương mại hóa ở nước ngoài, lên đến cả chục tỉ đồng nhưng tôi quan niệm rằng riêng mắt kính cho người khiếm thị là một chương trình nhân văn. Có thể mình không làm được gì lớn thì mình hãy tặng sáng chế của mình, đó là tấm lòng của mình đối với xã hội, đó là điều tôi có thể làm được trong tầm tay của mình.

Tôi cũng sẵn sàng tặng lại sáng chế này cho Nhà nước nếu Nhà nước kết hợp với công ty Kiến Bình Minh (công ty tập hợp những người làm toàn thời gian và những tình nguyện làm không nhận lương, cùng các nhà hảo tâm sản xuất và trao tặng mắt thần cho người khiếm thị - PV) và tạo ra được những sản phẩm có ý nghĩa hơn cho người khiếm thị. Hiện nay, nhóm cũng đang nghiên cứu nhiều phiên bản cao cấp hơn của kính này, tất cả đều tặng lại cho xã hội, không riêng gì ở Việt Nam mà mình có thể trao tặng cho người mù ở các nước trên thế giới.

Quan trọng nhất, tuy chỉ là một sản phẩm rất nhỏ nhưng đó là tất cả những gì tôi, đồng nghiệp, những tấm lòng nhân hậu trong cả nước, nhà trường nơi tôi làm việc và gần đây nhất là Thủ tướng đang rất cố gắng để gửi tặng tới những người khiếm thị khó khăn có thêm một “tia sáng” của niềm tin.

Xin cám ơn anh.

Trần Nhật Minh (thực hiện)