Bản Để In

Chính phủ yêu cầu sửa Thông tư “có vải là lôi ra kiểm tra”

(Chinhphu.vn) – Trước quá nhiều ý kiến phàn nàn về quy định kiểm tra formaldehyt với sản phẩm dệt may, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công Thương sửa đối Thông tư liên quan.

03/20/2015 11:13
Ảnh minh họa
“Các doanh nghiệp kêu rất nhiều về vấn đề này”, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nói với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, khi trao đổi về Thông tư số 32/2009/TT-BCT.

Theo bà Dung, Thông tư này được Bộ Công Thương ban hành với mục đích xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ người tiêu dùng, bởi formaldehyt là chất có hại với sức khỏe. Tuy nhiên, việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt được áp dụng với quá nhiều đối tượng mà không có sự phân biệt, chẳng hạn người nhập về bán tiêu dùng, người nhập về để xuất khẩu hay nhập nguyên liệu để sản xuất rồi bán nội địa…

Mặt khác, Thông tư có cho phép chỉ kiểm tra xác suất đối với một số đối tượng, chẳng hạn khi doanh nghiệp nhập khẩu nhiều lần một sản phẩm, nhưng lại không quy định cụ thể xác suất bao nhiêu, 10 lần nhập thì một, hai hay năm lần kiểm tra. Do đó, mỗi cửa khẩu kiểm tra một kiểu.

Thông tư cũng cho phép miễn kiểm tra với các sản phẩm đã được thừa nhận đạt chuẩn tại các quốc gia mà Việt Nam và nước đó có quy chế thừa nhận lẫn nhau. Nhưng trên thực tế, do các cửa khẩu thực hiện khá tùy tiện nên số sản phẩm được miễn kiểm tra cũng rất ít.

“Một bộ bàn ghế bọc vải, người ta cũng cắt ra một miếng để xét nghiệm. Người ta cứ hiểu máy móc như vậy, đã là vải thì phải lôi ra kiểm tra. Doanh nghiệp kêu là kiểm tra rất lâu, chi phí thì cao”, bà Dung nói.

Cùng quan điểm với bà Dung, nhóm chuyên gia tư vấn về hải quan của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho rằng Thông tư chỉ quy định 3 nhóm sản phẩm phải kiểm tra, nhưng diện bao phủ quá rộng. Hầu hết các loại vải, các loại sản phẩm dệt may đều thuộc diện phải kiểm tra. Diện sản phẩm đã rộng lại càng rộng hơn bởi Thông tư chỉ quy định tên sản phẩm mà không quy định trường hợp áp dụng.

Chính vì vậy, cách hiểu phổ biến là áp dụng trong mọi trường hợp, mọi loại hình nhập khẩu. Chẳng hạn, nguyên liệu sản xuất, chưa phải sản phẩm tiêu dùng trực tiếp; đối tượng kiểm tra chỉ là thành phần của một sản phẩm hoàn chính khác hay là sản phẩm khuyến mại nhỏ kèm theo một sản phẩm hoàn chỉnh khác… đều bị kiểm tra.

Hải quan Hà Nội cho biết trường hợp công ty Toyota nhập khẩu ô tô có 2 bộ khăn và găng tay, phải thực hiện kiểm tra tại Viện Dệt may, mất 1 bộ để làm xét nghiệm và phí kiểm tra 2.600.000 đồng.

Và với quy định như vậy, thì những sản phẩm phẩm đã đăng ký tiêu chuẩn châu Âu, có thương hiệu nổi tiếng, đã có đăng ký sở hữu trí tuệ như LV, Mango… cũng không “thoát” được việc kiểm tra.

Quá nhiều hồ sơ

Mặt khác, hồ sơ đăng ký kiểm tra theo Thông tư 32 là quá nhiều, gồm 10 loại, trong đó 7 loại bắt buộc phải có, gồm tờ khai hải quan, hợp đồng, hóa đơn, vận đơn, C/O, danh mục hàng hóa, ảnh hoặc mô tả hàng hóa.

“Hàm lượng formaldehyt được phản ánh bởi kết quả kiểm tra, phân tích trong phòng thí nghiệm nên quy định hồ sơ như vậy là không cần thiết, bởi hầu hết các chứng từ đó không chứa đựng thông tin về thành phần hóa học của sản phẩm”, nhóm chuyên gia USAID nhận định.

Việc kiểm tra phiền hà với doanh nghiệp, mất nhiều công sức của cơ quan quản lý như vậy, nhưng kết quả lại không đáng kể. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, tỷ lệ các trường hợp không đạt hàm lượng quy định vô cùng nhỏ, chỉ dưới 1%.

Theo đại diện một số doanh nghiệp dệt may, những vấn đề của Thông tư 32 khiến họ rất mệt mỏi, cũng đã được phản ánh từ lâu nhưng chậm được sửa đổi. Trước tình hình này, tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32.

Hướng sửa đổi cũng được chỉ rõ, đó là miễn kiểm tra đối với nguyên liệu sản xuất, sản phẩm trung gian, sản phẩm khuyến mại nhỏ, sản phẩm quen thuộc đã được nhập khẩu nhiều lần và đã kiểm tra chất lượng với số lần tương ứng, sản phẩm nhập khẩu từ khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn hoặc có thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm có xác nhận, chứng nhận (của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có uy tín) đạt chất lượng cao.

Chính phủ cũng yêu cầu việc đăng ký và trả kết quả kiểm tra hàm lượng formaldehyt phải được tiến hành qua mạng thông tin điện tử để giảm thiểu và đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp.

Thông tư 32 chỉ là một trong số rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà Nghị quyết 19 giao các bộ ngành khẩn trương sửa đổi, nhằm giải quyết những vướng mắc trong thủ tục quản lý hàng hóa chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, qua đó cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa theo yêu cầu của Nghị quyết.

 Hà Chính