chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
![]() |
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen |
Mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn Sản xuất và công nghiệp Việt Nam lần thứ nhất do VCCI tổ chức ngày 21/4, ông Lê Phước Vũ trước tiên nhắc tới hội nghị giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp dự kiến diễn ra ngày 29/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
“Ngay trong tháng đầu tiên sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân gặp doanh nghiệp. Điều này cho thấy Thủ tướng muốn khích lệ tinh thần khởi nghiệp, động viên đội ngũ doanh nhân, đặc biệt là với các doanh nhân trẻ. Điều này rất đáng trân trọng”, ông Vũ chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ.
“Tôi nghĩ rằng Thủ tướng muốn lắng nghe một cách thẳng thắn, chân thật những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp để chỉ đạo Chính phủ giải quyết những vướng mắc, những điều còn bất hợp lý để doanh nghiệp phát triển”, ông nói.
Theo ông Lê Phước Vũ, bước hội nhập sâu rộng hiện nay là cơ hội vô cùng lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội lớn nhất chính là áp lực cải cách để chúng ta hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Bởi nếu chúng ta không tỉnh táo, không nỗ lực, thì lợi thế của Việt Nam có thể trở thành thất thế của doanh nghiệp”, ông thẳng thắn. Ông cho rằng việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã vào Việt Nam đầu tư để “đón đầu” những lợi thế từ TPP là một lời cảnh báo với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Vũ nhấn mạnh 2 vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam trong hội nhập, đó là chính sách vĩ mô của Chính phủ và nỗ lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
“Các nước như Trung Quốc hay Mỹ cũng cần doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, không có lý do gì Việt Nam không cần. Nhưng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI như chân phải, chân trái của nền kinh tế, hai bên phải cân bằng thì mới tiến nhanh được. Nếu chúng ta không ý thức rõ điều này thì khả năng đuổi kịp các nước sẽ ngày càng khó khăn hơn. Tôi tin Chính phủ với các thành viên mới sẽ sáng suốt, quyết liệt để đưa cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam phát triển”, vị Chủ tịch Tập đoàn nói.
Khẳng định “chưa bao giờ doanh nghiệp cần một điểm tựa từ nhà nước, từ Chính phủ như bây giờ”, ông Lê Phước Vũ nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp “cần sự thông thoáng, không bị níu kéo từ các cơ chế hành chính”. Cơ chế càng minh bạch thì tình trạng nhũng nhiễu, làm việc theo cảm tính của đội ngũ cán bộ, công chức sẽ càng được hạn chế; nếu không, doanh nghiệp sẽ không thể phát triển được. Chính phủ phải phục vụ doanh nghiệp.
“Một tập đoàn từng đứng đầu thế giới như Nokia cũng có thể gục ngã. Việc kinh doanh ngày càng đòi hỏi khả năng thay đổi, thích ứng nhanh chóng với công nghệ, với thị trường và chúng tôi cần sự khích lệ, cần một điểm tựa từ Nhà nước, từ Chính phủ”, ông chia sẻ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp năm 2016 vào ngày 29/4/2016 với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Hội nghị đưa ra thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nội dung đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.
Phát biểu tại Diễn đàn Sản xuất và công nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán WTO của Việt Nam nhận định Chính phủ và Thủ tướng đang quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính. “Tuy nhiên, chỉ có thể đẩy mạnh cải cách hành chính bằng Chính phủ điện tử. Nếu không thì vẫn còn “xin-cho”, cải cách vẫn không thể tiến nhanh. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của Chính phủ thì phải bằng Chính phủ điện tử. Chỉ có như vậy mới rút ngắn được thủ tục”, ông nói. Điều này được ông Lương Văn Tự đặt trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới, với tầm nhìn và chủ trương mở cửa sớm trong lĩnh vực này của Đảng, Nhà nước. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP năm 2015 với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của LHQ; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
|