chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Cụ thể, theo tiêu chí về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm để được hưởng chế độ ưu tiên, hầu như các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể tiếp cận chế độ này, trừ các doanh nghiệp làm thủ tục hải quan thông qua đại lý hải quan đáp ứng được các tiêu chí.
Từ đó, Nhóm rà soát đề xuất cân nhắc điều chỉnh lại các quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP về tiêu chí kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm theo hướng, giảm mức kim ngạch xuống cho phù hợp với năng lực xuất nhập khẩu của trung bình các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phản hồi ý kiến, chuyên gia hải quan Phạm Thanh Bình cho biết quy định kim ngạch hoặc số lượng dịch vụ thực hiện mỗi năm không phải là sáng kiến của Việt Nam mà là cách làm của nhiều nước như Nhật Bản Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… Chỉ việc quy định các mức kim ngạch khác nhau là cách làm riêng của Việt Nam, nhưng chính là nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cơ chế ưu tiên, một mặt giành nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, mặt khác, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt, nhất là về ý thức và năng lực tuân thủ pháp luật, phương pháp quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp để đáp ứng sự kiểm tra, giát sát chặt chẽ của Hải quan.
“Ưu tiên mà áp dụng cho số đông thì ưu tiên không có ý nghĩa nhiều. Vì vậy tôi đồng tình với kiến nghị cần từng bước sửa đổi pháp luật Việt Nam theo hướng giảm mức kim ngạch nhưng không đến mức để số lượng doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí nhiều đến tràn lan, làm mất ý nghĩa thực tế của cơ chế này”, ông Bình nói.
Yêu cầu một giấy tờ hành chính duy nhất
Về yêu cầu mỗi giấy tờ hành chính chỉ phải nộp một lần, theo bà Trang, nếu cam kết EVFTA được hiểu là chỉ một giấy tờ hành chính duy nhất cho các thủ tục hải quan thì pháp luật hải quan hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của cam kết.
Tuy nhiên, dường như cách hiểu này không thích hợp bởi với thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, ít nhất luôn có một tài liệu là tờ khai hải quan, ngoài ra nhiều hàng hóa còn cần có thêm một hoặc nhiều loại giấy tờ kiểm tra chuyên ngành. Vì vậy, về logic, quy định này không thể được hiểu theo cách này.
Cách suy luận thứ hai, theo bà Trang, nếu cam kết này được hiểu là đối với mỗi loại giấy tờ hành chính chỉ cần một bản được sử dụng cho toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan thì pháp luật Việt Nam cũng chỉ đáp ứng được một phần.
Cụ thể, pháp luật Việt Nam mới chỉ đáp ứng được yêu cầu này trong trường hợp đã thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và cũng là với những giấy tờ mà các cơ quan liên quan cấp dưới dạng điện tử.
Do đó, Nhóm rà soát cho rằng, trong cả hai trường hợp, pháp luật Việt Nam đều chưa đáp ứng được yêu cầu và vì vậy cần được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bình luận về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Hiền, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan cho rằng, hiện ngành Hải quan đã vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS và việc đảm bảo mỗi giấy tờ hành chính chỉ phải nộp một lần là thực hiện được.
Theo ông Phạm Thanh Bình, quy định này liên quan đến “Chuẩn mực chuyển tiếp” của Công ước Kyoto (sửa đổi), theo đó, các doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện của Hải quan quy định được phép sử dụng một tờ khai hải quan để xuất nhập khẩu toàn bộ lượng hàng hóa trong một thời gian nhất định.
“Chuẩn mực này đã được nội luật hóa tại khoản 5 Điều 29 Luật Hải quan và khoản 8 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện Luật Hải quan. Điều này được hiểu là, pháp luật Việt Nam đã đáp ứng cam kết này” – ông Bình khẳng định.
Ông Bình cho biết thêm, để thực hiện tốt quy định này còn cần rà soát hệ thống pháp luật quản lý chuyên ngành bởi thực tế hiện nay, thủ tục hải quan còn liên quan nhiều đến kiểm tra chuyên ngành của nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ lô hàng kiểm tra chuyên ngành cao và thời gian thông quan hàng hóa dài như hiện nay.
Cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ tạo ra những tác động lớn tới pháp luật và thể chế chính sách Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có các lĩnh vực hải quan và minh bạch hóa.
Các cam kết EVFTA không chỉ đặt ra những “chuẩn cải cách” tối thiểu từ góc độ pháp luật điều chỉnh các hoạt động này mà còn nhấn mạnh các tiêu chí quan trọng về hiệu quả thực hiện. Do đó, để tuân thủ các cam kết EVFTA, Việt Nam sẽ phải có những sửa đổi, điều chỉnh pháp luật và thực tiễn thực thi cho phù hợp. |