Bản Để In

Chuẩn bị kỹ lưỡng để đón đầu cơ hội mới

(Chinhphu.vn) – Hiệp định EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ sớm có hiệu lực và từ đó, tạo thêm cơ sở cho Việt Nam thu hút tốt hơn các dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, giới đầu tư quốc tế đang đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, phân bố lại mạng lưới cơ sở sản xuất trên phạm vi toàn cầu.

05/22/2020 09:00
Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ngay trong những đầu tiên của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã xem xét việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (Hiệp định EVIPA). Đây được coi là bước đánh dấu quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, xuất khẩu và thu hút đầu tư.

Trong Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, chúng ta có vị thế chủ động trước vận hội mới, thời cơ mới khi cấu trúc kinh tế thế giới, phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thay đổi sau đại dịch.

“Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia gắn với chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do; duy trì, phục hồi các thị trường xuất khẩu hiện có và mở rộng các thị trường mới; tránh phụ thuộc nhiều vào một thị trường; chủ động có kế hoạch, biện pháp cụ thể đối với từng ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực”, Thủ tướng nêu rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Nhiều ý kiến thời gian qua đã nhận định, do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, giới đầu tư quốc tế đang đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, phân bố lại mạng lưới cơ sở sản xuất trên phạm vi toàn cầu; trong đó, Việt Nam được xác định là ứng viên sáng giá khi nằm ở khu vực phát triển năng động nhất thế giới.

Đặc biệt, từ góc nhìn quốc tế, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong phòng, chống đại dịch COVID-19. “Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định: Tác động từ dịch COVID-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới và phát triển bứt phá. Đây thực sự là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị, vốn đăng ký 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016-2018. Cụ thể tăng 52,3% so với năm 2018, tăng 16,4% so với năm 2017 và tăng 79% so với năm 2016. Mức độ giảm trong 4 tháng cũng ít hơn so với 3 tháng đầu năm.

TTXVN dẫn lời Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, kết quả trên là hoàn toàn chấp nhận được trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh; một số nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm. Điều đó còn cho thấy niềm tin, mục tiêu hiện diện, làm ăn lâu dài tại Việt Nam là rất mạnh mẽ và đó chỉ là sự sụt giảm tạm thời trong thời “bão” COVID-19.

Đáng lưu ý, ngày càng xuất hiện những dự án có công nghệ hiện đại, tập trung vào hoạt động nghiên cứu và chế tạo để tạo ra sản phẩm chất lượng, có tác dụng lan tỏa và tham gia đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế.

Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, thời cơ thu hút đầu tư nước ngoài là rất lớn và đang xuất hiện rõ ràng. Đây là xu hướng mới của các nhà đầu tư sau bài học phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung và khi có bất lợi xảy ra thì không có cách nào thay thế. Đa dạng hóa thị trường và nguồn cung đầu vào là lựa chọn phổ biến và sẽ diễn ra trên phạm vi rộng. Sự an toàn cho dòng vốn đầu tư là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Hong Sun khẳng định, với thành công trong phòng chống dịch COVID-19 và sự ổn định về môi trường đầu tư-kinh doanh đã nâng tầm Việt Nam lên một bước quan trọng, đầy ấn tượng. Không những thế, tiềm năng của Việt Nam còn rất lớn cũng như còn nhiều dư địa cho nhà đầu tư hợp tác, khai thác nhằm tới mục đích cùng có lợi của các bên.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp có chất lượng đầu tư vào Việt Nam, đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo tinh thần Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị”, ông Hong Sun nói.

Lợi thế lớn từ các FTA

Theo các phân tích, các hiệp định thương mại tự do mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. 

Theo Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), những ngành hiện nay có thể tận dụng sớm cơ hội mà EVFTA mang lại là dệt may, giày dép, nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh như: gạo, thủy sản…

Hiệp định kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo chuỗi cung ứng mới. Hiện nay, các nước đều đang trong quá trình nỗ lực để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh đối phó với những thay đổi của đại dịch COVID-19, xu hướng này diễn ra mạnh hơn.

Với tư cách là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực có FTA với EU, Việt Nam ở vị trí rất tốt để là một trong những nơi tiếp nhận chuỗi cung ứng mới thông qua xây dựng chuỗi cung ứng bền vững kết nối hai bên. Từ đó Việt Nam có cả quan hệ kinh tế cũng như quan hệ khác với EU ở mức cao hơn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những đối tác tin cậy, đủ khả năng, đủ sức cạnh tranh để cung cấp hàng hóa cho đối tác thương mại.

Nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã nhận định, đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ. Chính vì vậy, ngay lúc này Việt Nam cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Trả lời phỏng vấn báo chí, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động của dịch bệnh COVID-19. Tiếp theo, cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản.

Cùng với đó, Việt Nam cần tập trung thu xếp mặt bằng, nhất là tại các khu công nghiệp để sẵn sàng đón dự án đầu tư nước ngoài bên cạnh sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, khả năng cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc…

Cụ thể hơn, trong Báo cáo Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 mới đây, các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đề cập những khó khăn trong tiếp cận đất đai và phải chi nhiều khoản chi không chính thức, dù tình hình đã được cải thiện nhiều. “Các nhà đầu tư cho rằng, hệ thống quy định, thủ tục của Việt Nam cần trở nên hiệu quả và chuyên nghiệp hơn”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.

Ông Tuấn cho biết, trong quá trình điều tra, nhóm nghiên cứu phát hiện có 48% doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng trong năm qua đã chi trả thêm trung bình khoảng 24 triệu đồng chi phí không chính thức để nhận được giấy phép này.

Nhưng quan trọng là, các con số trên có thể chưa phản ánh đúng mức chi phí thực tế, chưa tính đến các doanh nghiệp FDI đã bỏ qua việc xin cấp giấy phép xây dựng do lo ngại phải mất thêm chi phí không chính thức. Những rào cản này có thể khiến các doanh nghiệp đang hoạt động từ bỏ ý định mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, điều kiện tiên quyết để Việt Nam đón được cơ hội mới về FDI là cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.

Thành Đạt