Bản Để In

“Chứng cứ đâu nếu cán bộ không chịu nhận hồ sơ?”

(Chinhphu.vn) – Đó là vấn đề được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đặt ra khi đề cập câu chuyện cắt giảm thời gian, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng…

09/08/2014 06:21

Nói về sự phức tạp của các thủ tục đất đai, xây dựng hiện nay, ông Lê Hoàng Châu cho biết để hoàn thiện các thủ tục đầu tư phát triển một dự án bất động sản trung bình mất 3 năm, có khi mất cả trên 5 năm.

Ông Lê Hoàng Châu

Các doanh nghiệp không chỉ mất thiều thời gian và công sức mà còn phải mất chi phí không nhỏ cho việc thực hiện các thủ tục này, từ đó làm tăng giá thành bất động sản. Có doanh nghiệp cho biết chi phí để thực hiện các thủ tục có thể lên tới 10% tổng giá thành nhà ở.

Vì thế, thủ tục hành chính trở thành một gánh nặng với doanh nghiệp, khiến giai đoạn chuẩn bị đầu tư kéo quá dài so với các nước xung quanh. Khu đô thị mới Thủ Thiêm, một dự án trọng điểm của TP Hồ Chí Minh, phải mất hơn 10 năm mới triển khai được, mà một trong những nguyên nhân là thủ tục hành chính.

Trong khi, tại Kuala Lumpur, Malaysia, thời gian thực hiện thủ tục trung bình là 6 tháng, thậm chí với những dự án trọng điểm còn ngắn hơn, có thể chỉ cần một tháng, ông Châu đưa ra một ví dụ để so sánh.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản hết sức phấn khởi khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh.

Doanh nghiệp cũng vui mừng đón nhận những buổi làm việc của Thủ tướng với từng Bộ ngành, tin tưởng vào việc thực hiện lời hứa của Thủ tướng với doanh nghiệp về cắt giảm thủ tục hành chính.

“Nghị quyết 43 đã thể hiện cam kết rất mạnh mẽ, quyết tâm rất lớn của Chính phủ là giảm 40% thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Mục tiêu này chưa thể thực hiện được ngay trước mắt nhưng doanh nghiệp và người dân cảm thấy rất yên tâm”, ông Châu nói.

Nghị quyết 43 đã có định hướng rất chi tiết với nhiều vấn đề vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải hiện nay. Ông Lê Hoàng Châu lấy ví dụ, Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp phép xây dựng yêu cầu tất cả các công trình phải được cấp phép xây dựng, kể cả các công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Đây là một bước “thụt lùi” và Nghị quyết 43 đã “sửa sai” khi quy định không yêu cầu thực hiện việc cấp phép xây dựng đối với các công trình này.

Còn xin-cho, còn khoảng trống cho nhũng nhiễu

Hoan nghênh lời hứa của các Bộ trưởng trước Thủ tướng về mục tiêu cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục, song đại diện các doanh nghiệp bất động sản tại đầu tàu kinh tế lớn nhất nước cũng đề nghị các Bộ phải có kế hoạch thật chi tiết để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, công khai cụ thể.

Một vấn đề rất khó kiểm soát, theo ông Châu, là giai đoạn trước khi cơ quan chức năng nhận hồ sơ của doanh nghiệp. Hiện đã có quy định về trách nhiệm của các cơ quan chức năng kể từ ngày nhận hồ sơ, ví dụ bao nhiêu ngày thì được yêu cầu doanh nghiệp bổ túc thêm hồ sơ, bao lâu thì phải gửi trả lại kết quả…  

“Nhưng ở giai đoạn tiếp xúc ban đầu, thì cán bộ lại có quyền nhận hồ sơ hoặc không, làm sao kiểm soát được?”, ông Châu đặt vấn đề. Khi đó, doanh nghiệp không có chứng cứ để phản ánh tới lãnh đạo của cơ quan hành chính đó rằng cán bộ thiếu trách nhiệm.

Ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, dường như đang có tình trạng các bộ ngành muốn giành lấy một số thẩm quyền không thật cần thiết khi ban hành chính sách. Chẳng hạn, một nguyên nhân khiến gói 30 nghìn tỷ đồng giải ngân chậm là do Chủ tịch UBND các địa phương không có quyền quyết định việc chia nhỏ căn hộ, chuyển từ căn hộ thương mại sang nhà ở xã hội…

“Địa phương phải báo cáo qua Bộ Xây dựng, rồi Bộ Xây dựng mới gửi qua Ngân hàng Nhà nước. Trong khi công văn của Bộ Xây dựng không có gì mới, gần như chỉ là một công văn rất đơn giản để chuyển hồ sơ tới Ngân hàng Nhà nước”, ông Châu phân tích và cho rằng không nên duy trì các thủ tục không cần thiết và mất rất nhiều thời gian như vậy, mà nên giao việc đó cho các địa phương tự chịu trách nhiệm.

Về lâu dài, theo ông Châu, cốt lõi của cải cách thủ tục hành chính là phải làm thật tốt công tác quy hoạch. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch có tầm quan trọng hàng đầu để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, bởi khi đó chúng ta có thể chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhà nước không còn mất nhiều công sức để xem xét cho phép doanh nghiệp làm điều này hay điều khác.

“Khi đã duyệt quy hoạch rồi, thỏa thuận không gian phát triển đô thị rồi thì cứ để cho người ta làm. Còn cơ chế xin-cho là còn khoảng trống để phát sinh nhũng nhiễu”, ông Châu nói.

 Hà Chính