chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
![]() |
Các ý kiến tại tọa đàm đều cho rằng việc hội nhập sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách-Ảnh:VGP/Hà Chính |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, cơ hội ấy đến từ một thị trường 600 triệu dân với GDP trên 2.000 tỷ USD. Thị trường này còn rộng hơn nữa nếu tính đến 6 đối tác lớn mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Nguồn vốn đầu tư và nguồn lao động được tự do di chuyển cũng là những cơ hội lớn.
Trong khi đó, thách thức với Việt Nam đến từ hệ thống pháp lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực còn không ít vấn đề cần giải quyết.
“Để tận dụng cơ hội thì chúng ta phải cố gắng rất nhiều, nhưng với thách thức thì chúng ta không làm gì, chúng đã gây khó khăn cho ta rồi. Vì vậy, để tận dụng được cơ hội và hóa giải thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực lớn”, Thứ trưởng nói.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, thì nhìn nhận sức ép cải cách sẽ là cơ hội lớn nhất của Việt Nam. Việc tận dụng cơ hội cải cách là yếu tố quyết định để Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội khác.
Tương tự, cơ hội lớn nhất với doanh nghiệp là sức ép cạnh tranh sẽ buộc họ đổi mới không ngừng. Sức ép đó không chỉ từ doanh nghiệp các nước ASEAN, không chỉ về hàng hóa mà còn về dịch vụ, đầu tư, công nghệ, lao động…
“Hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu là một đặc điểm của AEC. Một doanh nghiệp nói với tôi, họ tự tin khi cạnh tranh với doanh nghiệp trong ASEAN, nhưng thực sự lo ngại khi đối mặt với doanh nghiệp từ các nước đối tác của khối”, ông Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Trong số các ngành của Việt Nam, vị Hiệu trưởng cho rằng ngành sản xuất hàng tiêu dùng sẽ cảm nhận được sức ép đầu tiên. Mới đây, các đối tác Thái Lan đang cố gắng tiếp cạn hệ thống bán lẻ Việt Nam, hàng hóa Thái đang chen chân vào Việt Nam. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam lại đang có xu hướng ưa thích tiêu dùng hàng hóa ngoại.
Nhưng bên cạnh đó, nhiều ngành có khả năng hội nhập tốt, chẳng hạn ngành Công nghệ thông tin mà theo ông Sơn là có thể tự tin cạnh tranh được với thế giới. Nhưng Việt Nam cần quan tâm hơn tới các ngành dễ bị tổn thương.
“Vĩ mô trên 5, vi mô dưới 5”
Ông Nguyễn Hồng Sơn nhận xét như vậy khi “chấm điểm” sự chuẩn bị của Việt Nam trước AEC, theo thang điểm 10. “Vĩ mô” được hiểu là sự chuẩn bị từ phía các cơ quan nhà nước, khi Việt Nam đã tích cực hoàn thiện các khung khổ pháp luật, cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh.
Còn “vi mô” là ở cấp độ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn đã tích cực chuẩn bị, nhưng bên cạnh đó, có tới 60% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về AEC, theo một khảo sát do trường Đại học Kinh tế thực hiện.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, cho biết một khảo sát của Hội cho thấy có đến 80% số doanh nghiệp được hỏi “rất thờ ơ, không hề quan tâm” đến hội nhập, trong khi chỉ có 20% doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp quy mô lớn, có quan tâm.
“Có thể nói nhiều doanh nghiệp thiếu hẳn vũ khí, bị động, không hề biết gì đang chờ đợi mình phía trước khi hội nhập đã đến rất gần”, ông Sơn chia sẻ.
Từ góc nhìn “vĩ mô”, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhắc lại cách đây 10 – 15 năm, khoảng cách của Việt Nam và các nước ASEAN, Trung Quốc là rất lớn, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập Việt Nam. Nhưng nay thì bia Trung Quốc “không còn cửa” ở Việt Nam; đường Thái Lan “không có đất” ở Việt Nam. Vinamilk không chỉ làm chủ thị trường sữa nội địa mà còn vươn mạnh ra nước ngoài.
“Tôi không muốn “tô hồng”, nhưng hãy nhìn vào khối lượng công việc khổng lồ mà chúng ta đã làm để có ý chí vượt qua. So với mong muốn thì chưa đạt, so với các nước khác thì cũng còn nhiều hạn chế, nhưng khác với các nước, chúng ta bắt đầu từ không đến có”.
“Tất nhiên đừng chủ quan, cần nhìn vào những thứ chưa làm được để cố gắng, nhưng cũng cần nhìn vào những gì chúng ta đã là được để thấy cùng với sự cố gắng của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, dứt khoát chúng ta sẽ hội nhập thành công”, Thứ trưởng nói.
Hà Chính