Bản Để In

‘Cơ hội vàng’ để phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt

(Chinhphu.vn) - Dịch COVID-19 đang đặt ra thách thức lớn nhưng cũng chính là “cơ hội vàng” cho việc phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Điều này có ý nghĩa to lớn về mặt phát triển kinh tế xã hội.

08/25/2021 06:56
Hình thức thanh toán không tiền mặt thông qua VNPAY-QR đã trở nên phổ dụng khi sở hữu tới 150.000 điểm chấp nhận 

Ông Nguyễn Tuấn Lương – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) trả lời phỏng vấn về vấn đề thanh toán điện tử tại Việt Nam – một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. VNPAY được đánh giá là một trong những công ty công nghệ tài chính (Fintech) hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của thanh toán điện tử trong chuyển đổi số nền kinh tế? Cơ hội nào trong thời điểm hiện nay để thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung?

Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, việc ứng dụng một hình thức thanh toán mới thuận tiện hơn, an toàn hơn là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm, đó là thanh toán điện tử. Các phương thức thanh toán điện tử ngày một đa dạng như thanh toán qua mobile banking, ví điện tử… Mỗi hình thức thanh toán có ưu điểm riêng, có một vị trí phục vụ nhất định trong nhu cầu thiết yếu của người dùng và đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế số.

Thanh toán điện tử ra đời làm giảm được khối lượng tiền mặt trong lưu thông, tiết giảm được chi phí trong khâu in ấn, vận chuyển tiền, giảm được chi phí lao động xã hội. Bên cạnh đó, thanh toán điện tử giảm tải thất thoát, tốn kém và các rủi ro không mong muốn cho người sử dụng, đặc biệt khi giao dịch các sản phẩm, dịch vụ có giá trị lớn.

Người dùng hiện nay có xu hướng thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ mua sắm, giải trí, du lịch, trả tiền hóa đơn (điện, nước, viễn thông…). Xu hướng này giúp họ thanh toán nhanh chóng, an toàn dễ dàng theo dõi và kiểm soát chi tiêu, đồng thời giúp doanh nghiệp chuyên nghiệp hóa mô hình kinh doanh và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Việc phát triển thanh toán điện tử sẽ tạo nên nhiều người dùng số, doanh nghiệp số, các công ty khởi nghiệp công nghệ. Từ đó thúc đẩy tốc độ số hóa nền kinh tế thị trường.

Dịch COVID-19 đang đặt ra thách thức lớn cho đất nước, bởi nhiều hoạt động bị đình trệ. Nhưng thách thức cũng đi liền với cơ hội. Trên thực tế, khi dịch bệnh bùng phát, người dân đã có ý thức chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm. Đây chính là “cơ hội vàng” cho việc phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Khi thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, tất cả người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng. Đặc biệt là nhóm những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn về mặt phát triển kinh tế xã hội, giúp tăng “sức đề kháng”, sáng tạo, thích ứng nhanh, hồi phục nhanh, trước những hệ lụy khó lường do dịch COVID-19 gây ra.

Bên cạnh những thuận lợi thì việc thúc đẩy thanh toán điện tử hiện nay còn có những khó khăn như thế nào? Cần những giải pháp nào để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thanh toán điện tử, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số?

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với tác động của đại dịch COVID-19 khiến cho các hình thức thanh toán điện tử ngày càng được đẩy mạnh, thế nhưng lĩnh vực này cũng gặp không ít khó khăn.

Khó khăn lớn nhất là thói quen sử dụng tiền mặt và với tâm lý người dân còn e ngại các dịch vụ thanh toán mới khiến tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay nhiều đơn vị thanh toán, đang phải dành nhiều chi phí để thu hút người dùng sử dụng dịch vụ. Mục đích ở đây chính là việc làm sao để sử dụng chi phí hiệu quả, cung cấp được trải nghiệm tốt để người dùng sẽ gắn bó và sử dụng thường xuyên dịch vụ trên nền tảng hoặc kênh thanh toán của mình.

Khó khăn tiếp theo đó là chính sách cần được thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động nhiều hơn trong ứng dụng công nghệ mới, phương thức thanh toán mới, nền tảng công nghệ mới vào thực tế của thị trường.

Để thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển nhanh, bền vững, cần thay đổi thói quen người tiêu dùng bằng cách đẩy mạnh công tác truyền thông và phối hợp với cơ quan báo chí để thực hiện các chương trình truyền thông nhằm khuyến khích người dùng sử dụng thanh toán điện tử và lan toả rộng rãi đến đại bộ phận người dân. Đặc biệt là thông tin đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… tạo cơ hội cho họ tiếp cận với các hình thức thanh toán điện tử nhiều hơn.

Cùng với đó, các công ty cần cải thiện về quy trình vận hành, bán hàng, sớm tích hợp với các kênh thanh toán tiện lợi để mang tới cho nhân viên và người dùng cuối trải nghiệm xuyên suốt về dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Tuấn Lương, VNPAY coi mình là cánh tay nối dài của các ngân hàng, đối tác chiến lược của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn  

Chuyển đổi số, thanh toán điện tử là cuộc đua không có biên giới. VNPAY có tầm nhìn như thế nào trong cuộc đua này, theo ông?

Từ năm 2018, thị trường Fintech tại Việt Nam được đánh giá là sôi động với nhiều mô hình kinh doanh, sản phẩm dịch vụ Fintech mới cũng như hình thức thanh toán khác nhau được triển khai kèm theo rất nhiều các hoạt động khuyến mại, giảm giá để thu hút các điểm cung cấp dịch vụ lẫn người tiêu dùng cuối.

Với VNPAY, trong thời gian vừa qua đã đầu tư, dành nhiều nguồn lực, chi phí cho công nghệ, các chương trình và hoạt động marketing, đồng hành cùng các đối tác cung cấp dịch vụ mang lại nhiều lợi ích cho các điểm cung cấp dịch vụ (online lẫn offline) và người dùng cuối. Kết quả rõ ràng có thể nhìn thấy được khi hình thức thanh toán không tiền mặt thông qua VNPAY-QR đã trở nên phổ dụng khi sở hữu tới 150.000 điểm chấp nhận và được người tiêu dùng háo hứng đón nhận. Hiện số liệu tăng trưởng tốt tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng nên trong thời gian tới VNPAY sẽ tiếp tục cố gắng.

Đặc biệt, đầu năm 2021, VNPAY chính thức ra mắt phiên bản mới của ví điện tử VNPAY, với hướng đi lựa chọn ưu tiên tính năng ví gia đình. Với sản phẩm này chúng tôi mong muốn thanh toán điện tử có thể tiếp cận được mọi lứa tuổi, không chỉ các bậc phụ huynh mà cả những người phụ thuộc như các thế hệ con con cái, ông, bà....

VNPAY và các công ty thành viên hiện có trên 4.000 nhân sự, trong đó có trên 1.200 kỹ sư và có nhiều chuyên gia giỏi ở nhiều mảng công nghệ khác nhau. Chúng tôi đã phối hợp cùng các ngân hàng và các doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái đa dạng về sản phẩm thanh toán (điện, nước, học phí, phí chung cư,...), đa dạng về tiện ích tài chính (thông tin tài khoản, tiết kiệm online, vay online, ...), đa dạng về các dịch vụ tiện ích phi tài chính (thông tin tương tác, trợ lý ảo, tìm các địa điểm dịch vụ xung quanh, gọi taxi,...) , đa dạng các hình thức thương mại (mua vé máy bay, mua vé xem phim, mua vé tàu, vé ô tô đường dài và các loại hàng hoá hữu hình phục vụ tiêu dùng hàng ngày từ bỉm sữa, thịt cá đến tivi, máy giặt,...) hướng đến phục vụ mọi hoạt động thường ngày của khách hàng trên Mobile Banking.

Đằng sau siêu ứng dụng phục vụ cho hàng triệu khách hàng đó là các siêu nền tảng công nghệ mới với hàng nghìn kỹ sư, chuyên gia giỏi và hàng nghìn con người vận hành. Chúng tôi kiên trì đi theo triết lý kinh doanh lâu nay của mình là đầu tư rất nhiều nguồn lực cho việc nghiên cứu, xây dựng hạ tầng công nghệ về thanh toán, phát triển các dịch vụ công nghệ mới như: Bigdata, AI, BlockChain… phục vụ và ứng dụng thanh toán không tiền mặt.

Chúng tôi coi mình là cánh tay nối dài của các ngân hàng, đối tác chiến lược của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn như các hãng hàng không, các tập đoàn về du lịch, vận tải, bán lẻ lớn... mang tới cho người dân Việt Nam nhiều trải nghiệm tuyệt vời về sản phẩm dịch vụ số dựa trên công nghệ.

Ngoài việc hợp tác với ngân hàng, chúng tôi đầu tư nguồn lực rất lớn cho việc hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hoá trong quá trình chuyển đổi số và đảm bảo hệ thống quản lý và bán hàng của các doanh nghiệp này có thể tích hợp với các hình thức thanh toán hiện đại, đặc biệt là giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả, nâng cao hiệu suất bán hàng.

Chúng tôi đưa ra nhiều sản phẩm phần mềm quản lý bán hàng VNPAY-SmartPOS phù hợp với rất nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau: loại hình bán hàng ăn uống, thương mại, vận chuyển hành khách đường dài, phần mềm quản lý taxi,.... Chúng tôi cung cấp cả các dịch vụ kho thông minh cho các doanh nghiệp bán hàng online làm đơn giản hoá trong quá trình quản lý từ đó thúc đẩy phương thức bán hàng mới và đương nhiên kèm theo cả phương thức thanh toán mới không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, hệ sinh thái của VNPAY đang có hơn 30 công ty công nghệ, bán lẻ khác nhau, đây cũng chính là một mạng lưới hỗ trợ giúp cho VNPAY có thể dễ dàng mang các phương thức thanh toán hiện đại, công nghệ mới tới các thương nhân và người dùng cuối hơn./.

Xin cảm ơn ông!


PV