Bản Để In

‘Cơ quan nhà nước chỉ làm những gì được phép’

(Chinhphu.vn) – Dự án Luật Quản lý ngoại thương thể hiện rõ tinh thần “cơ quan nhà nước chỉ được làm pháp luật cho phép” và “thương nhân được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm”.

10/26/2016 02:45
Theo Bộ Công Thương, đây là thời điểm thích hợp để ban hành Luật Quản lý ngoại thương.
Đây là khẳng định của Bộ Công Thương tại tờ trình dự án Luật Quản lý ngoại thương, dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào ngày 27/10.

Bộ Công Thương cho biết trong bối cảnh, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, lần đầu tiên, Dự án Luật đã khẳng định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân chỉ bị hạn chế nếu thuộc các trường hợp mà Luật này cấm hoặc tạm ngừng.

Dự án Luật nhằm đảm bảo hài hòa, lồng ghép giữa hai nguyên tắc cơ quan nhà nước chỉ được làm pháp luật cho phép và thương nhân được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm.

Theo đó, các biện pháp mang tính hạn chế quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu được quy định nhằm đảm bảo lợi ích công cộng, an ninh quốc phòng,  hoặc phù hợp cam kết quốc tế... phải thực hiện theo những nguyên tắc xác định trong Luật và chỉ được áp dụng đối với danh mục hàng hóa cụ thể. Những hàng hóa ngoài các danh mục này được tự do xuất khẩu, nhập khẩu.

Dự thảo Luật quy định chi tiêt các biện pháp hạn chế bao gồm hạn chế về số lượng, thương nhân và cửa khẩu với nguyên tắc xác định loại hàng hóa, biện pháp này bao gồm thực hịện chế độ hạn ngạch, hạn ngạch thuế quan, cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu, chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Dự thảo Luật phân biệt rõ giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu (bao gồm giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động và không tự động và giấy phép khác do cơ quan có thẩm quyền cấp) mà doanh nghiệp phải có khi làm thủ tục thông quan hàng hóa với các điều kiện (không phải là giấy phép) mà doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu.

Các loại giấy phép và điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu nói trên sẽ được Chính phủ quy định công khai, minh bạch để cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, thực hiện, giám sát. Trên cơ sở các nguyên tắc này, Điều 31 Dự thảo Luật quy định giao Chính phủ quy định rõ Danh mục giấy phép, điều kiện  gắn với hàng hóa, phương thức điều hành (cấp phép, không cần giấy phép…) và các văn bản pháp luật có liên quan quy định các giấy phép, điều kiện đó.

Một điểm rất đáng chú ý khác, dự án Luật được xây dựng theo định hướng là một đạo luật điều chỉnh, quản lý hoạt động “ngoại thương hàng hóa”, không điều chỉnh đối với “ngoại thương dịch vụ”.

Tạo không gian bảo vệ sản xuất trong nước

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, dự thảo Luật Quản lý ngoại thương đảm bảo sự minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng cũng tạo không gian để bảo vệ sản xuất trong nước.

Trao đổi với báo chí, ông Khánh cho biết, chúng ta chưa có Luật Quản lý ngoại thương, nhưng tất cả các biện pháp quản lý hoạt động xuất nhập khẩu đã được ban hành rải rác tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Luật Quản lý ngoại thương chỉ tập hợp lại, hệ thống hóa, pháp điển hóa các quy định hiện hành, để thương nhân tham gia xuất nhập khẩu dễ tra cứu xem hàng hóa xuất nhập khẩu được Nhà nước áp dụng những công cụ nào trong quản lý.

Ông Khánh cho rằng hiện là thời điểm hệ thống hóa, pháp điển hóa tất cả các quy định quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu, vì đến tận bây giờ, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các đối tác lớn trên thế giới mới được định hình trên cơ sở các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia, ký kết.

“Giả sử 5-6 năm trước, chúng ta ban hành Luật Quản lý ngoại thương, trong khi nhiều hiệp định thương mại đang trong giai đoạn đàm phán, thì hoặc là đàm phán rất khó khăn vì vướng luật, hoặc là phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần luật này để phù hợp với các cam kết”, ông Khánh nói với báo chí.

Về nội dung rất quan trọng của Luật là các hàng hóa bị cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, Thứ trưởng Khánh cho biết chúng ta chỉ cấm nhập khẩu hàng hóa liên quan đến quốc phòng, an ninh; gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, trật tự xã hội… Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu được ban hành trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Còn thẩm quyền tạm ngừng xuất nhập khẩu hàng hóa trong một khoảng thời gian nhất định giao cho Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện. Nếu quy định chi tiết hàng hóa cấm, tạm ngừng nhập khẩu sẽ gây khó khăn trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.

“Ví dụ, mấy tháng gần đây, rất nhiều người chơi trò Pókemon Go thường tập trung tại một số địa điểm, đã ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây ra tai nạn giao thông. Nếu thấy cần thiết, Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phải ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu Pókemon Go và sau đó xem xét cấm nhập khẩu. Trong trường hợp này, nếu Danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu không có Pókemon Go và Thủ tướng hoặc bộ trưởng quản lý ngành không có quyền tạm ngừng, thì không thể xử lý được”, ông Khánh đưa ví dụ.

Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương quy định áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong những trường hợp sau:

1. Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

2. Gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng.

3. Gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, trật tự xã hội.

4. Gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

5. Là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

6. Theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Cũng theo dự thảo Luật, Chính phủ quy định chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Thành Đạt