Bản Để In

Con cá tra và quyết tâm cải cách của Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Xác quyết tiếp tục tinh thần cải cách trong năm 2015, Chính phủ đã không ngần ngại sửa đổi từng quy định gây khó cho doanh nghiệp.

01/07/2015 07:18
Phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư - đó là thông điệp trở đi trở lại trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2015.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ “sống còn” trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, phải là trọng tâm của công tác chỉ đạo, điều hành.

Những lời tâm huyết ấy được Thủ tướng đưa ra sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP, rằng bên cạnh những cơ quan nỗ lực cải cách, vẫn còn không ít những nơi còn thờ ơ, thậm chí có những bộ hầu như chưa thực hiện giải pháp nào trong số các giải pháp được giao.

Thực tế thì qua hơn 9 tháng thực hiện kế hoạch 2 năm 2014-2015 nhằm đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6, không khó để đánh giá về quyết tâm cải cách của từng Bộ ngành. Nơi nào làm tốt, nơi nào còn hạn chế, nơi nào chưa có chuyển biến gì, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đều thấy rõ ràng.

Nay, Nghị quyết cuối cùng trong năm 2014 và Nghị quyết đầu tiên trong năm 2015 của Chính phủ đều tiếp tục nhấn mạnh tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cao nhất cho sản xuất kinh doanh. Điều đó có nghĩa là bất cứ điều gì, quy định gì bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp đều phải gỡ bỏ.

Tất nhiên, cải cách là không bao giờ là một đường thẳng. Hẳn nhiều người còn nhớ việc Thủ tướng đích thân yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ ngừng thi hành Thông tư về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, sau khi nghe tiếng kêu từ phía doanh nghiệp. Đây là một ví dụ cho thấy vẫn có những chính sách “lạc điệu” với tinh thần tạo thuận lợi cao nhất cho sản xuất, kinh doanh.

Và rồi những ngày cuối năm 2014, Chính phủ cũng đã thống nhất chưa thực hiện quy định trong Nghị định 36/2014/NĐ-CP về độ ẩm và tỷ lệ mạ băng với cá tra phi lê đông lạnh, để doanh nghiệp có thêm 1 năm chuẩn bị. Quyết sách được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Nghị định có hiệu lực và cũng chỉ vài ngày sau khi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trực tiếp nghe phản ánh của doanh nghiệp. “Nếu chính sách ban hành không phù hợp thì phải sửa đổi cho phù hợp”, Phó Thủ tướng nói.

Chưa hết. Những ngày cuối năm, chúng ta đã chứng kiến những tranh cãi không kém gay gắt giữa các chuyên gia, nhà quản lý và ngay cả giữa các doanh nghiệp về một loại hình kinh doanh mới mà đại diện là Uber.

Và mới nhất, ngay đầu năm mới, báo chí cũng đã bắt đầu phản ánh những bất cập trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Báo Tuổi Trẻ nói thực thi Luật này từ 1/1/2015, thủ tục nhập cảnh đối với khách du lịch tàu biển, khách tham quan ngắn hạn kéo dài thời gian hơn, quy trình xin thị thực (visa) phức tạp hơn, phí nhập cảnh cũng tăng mạnh.

Trong khi, tinh thần được Chính phủ xác định tại Nghị quyết số 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch là “cải tiến việc cấp thị thực theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam”.

Có lẽ cơ quan soạn thảo Luật có lý do của họ, nhưng Thủ tướng đã nhiều lần nhắc nhở các Bộ ngành: Các nước khác cũng có những lý do tương tự, nhưng tại sao thủ tục của họ vẫn thuận lợi hơn chúng ta? 

Kết quả cải cách trong năm qua khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn có thể tạo lập một môi trường kinh doanh tốt hơn, đồng thời vẫn bảo đảm được yêu cầu quản lý. Như lời Thủ tướng, không có bất cứ lý do gì để các bộ ngành không tiến hành cải cách, các nước làm được thì chúng ta cũng làm được.

Và mấu chốt nhất: Chúng ta có thể không cải cách, không thay đổi, nhưng điều đó đồng nghĩa với sự tụt hậu, thụt lùi. Thủ tướng đã chỉ rõ trong một buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi tháng 9 năm ngoái: “Chúng ta không đi con đường nào khác, phải hội nhập với nền kinh tế thị trường của thế giới, phải cạnh tranh để tồn tại, để phát triển. Các nước trên thế giới cũng luôn cải cách để cạnh tranh”.

Trong quá trình cải cách, có thể sẽ còn rất nhiều chính sách không phù hợp, nhưng vấn đề là chúng ta lựa chọn cách ứng xử thế nào: Dũng cảm nhìn thẳng vào bất cập để sửa đổi hay tảng lờ bất cập mà chính sách đang gây ra cho doanh nghiệp và người dân. Hơn ai hết, cộng đồng doanh nghiệp hiểu Chính phủ đã lựa chọn cách ứng xử nào.

Trong số rất nhiều việc bộn bề của năm 2015, Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ trong năm mới đã xác định yêu cầu tiếp tục cải cách. Không chỉ là một chỉ đạo của Chính phủ, cũng không còn là một lựa chọn có hoặc không, đó là yêu cầu bắt buộc từ cuộc sống.

Hà Chính