Bản Để In

Đã “chỉ định” sao còn gọi là “đấu thầu”?

(Chinhphu.vn) - Đó là ý kiến của ông Ninh Viết Định, Trưởng ban Đấu thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại hội thảo mới đây về pháp luật đấu thầu.

01/28/2016 11:19
Hội thảo“Rà soát pháp luật đấu thầu Việt Nam với các cam kết về mua sắm công trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 27/1.

Theo Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, thì trước EVFTA và TPP, Việt Nam chưa từng cam kết về lĩnh vực mua sắm công, vì vậy, pháp luật Việt Nam về đấu thầu không phải chịu sự tác động của bất kỳ cam kết quốc tế nào trước đó.

Từ khi Hiệp định EVFTA được tuyên bố kết thúc đàm phán tháng 12/2015 đến nay, chưa có một báo cáo tổng thể và chi tiết về tác động của các cam kết trong EVFTA đối với hệ thống pháp luật Việt Nam được công bố.

Báo cáo rà soát của VCCI cho thấy về cơ bản các cam kết về mua sắm công trong EVFTA đã có trong pháp luật về đầu thấu của Việt Nam, chủ yếu là các nghĩa vụ mang tính cam kết nền như khái niệm nguyên tác minh bạch, cạnh tranh trong trình tự thủ tục đấu thấu… Những cam kết này được phân loại thành nhóm “đã tương thích”. Đối với nhóm nghĩa vụ này, Báo cáo khẳng định không cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi pháp luật trong nước đẻ thực thi cam kết.

Tuy nhiên, một số nội dung còn có sự chưa tương thích giữa cam kết EVFTA và pháp luật trong nước được liệt kê trong nhóm cam kết “chưa tương thích”, bao gồm: những nghĩa vụ đặc thù của EVFTA (về phạm vi điều chỉnh và các trường hợp ngoại lệ), nhóm các nghĩa vụ liên quan tới minh bạch và cạnh tranh và nhóm các nghĩa vụ liên quan tới hệ thống đấu thầu (về điều kiện đối với từng hình thức đấu thầu, tiêu chuẩn kỹ thuật và khiếu nại…).

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), thì phải xác định những điểm khác biệt để có sự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp và theo hướng có lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khắc phục nguy cơ “vênh” giữa pháp luật đấu thầu Việt Nam so với các cam kết mua sắm công theo EVFTA.

Góp ý cụ thể, ông Ninh Viết Định cho rằng phải bỏ hẳn khái niệm “chỉ định thầu” trong Luật Đấu thầu bởi nó không giống với bất kỳ hình thức nào theo thông lệ quốc tế.

Ông Ngô Minh Hải, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Nhà nước cũng cho rằng trong 8 hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định theo luật, thì chỉ có một hình thức là đấu thầu cạnh tranh - đấu thầu rộng rãi, còn lại là hình thức lựa chọn nhà thầu có điều kiện. Do đó cần có quy định cụ thể với mỗi hình thức lựa chọn nhà thầu để đảm bảo dễ dàng thực thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

“Thực tế luật và điều kiện tại Việt Nam hiện chưa thực sự tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, do đó cần có những quy định về kiểm soát nhà thầu nước ngoài, quy định phải liên danh giữa nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, quy định tính độc lập giữa nhà thầu và các đối tượng khác tham gia trong quy trình đấu thầu nhằm tránh các xung đột...”, ông Định lưu ý.

Ông Trần Trung Kiên, chuyên gia đấu thầu của Ngân hàng Thế giới (WB) góp ý rằng Việt Nam cần có thêm các quy định về mở cửa thị trường trong hoạt động đấu thầu quốc tế. Quy định về đấu thầu trong nước cũng cần phải được mở và điều chỉnh để cho phép sự tham gia của các nước trong khu vực, cũng như thành viên của EVFTA…

Cũng theo ông Kiên, các quy định về đấu thầu phải tạo nên môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà còn giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Từ kết quả rà soát, Báo cáo của VCCI đưa ra hai kiến nghị ban đầu để lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp: Thứ nhất là xây dựng văn bản riêng thực thi EVFTA theo hình thức Nghị định của Chính phủ để nội luật hóa các cam kết trong EVFTA. Thứ hai là sửa đổi Luật đấu thầu năm 2013 áp dụng cho các cam kết chung về minh bạch, cạnh trang và sẽ áp dụng chung cho toàn bộ hệ thống đầu thấu không chỉ dành riêng cho cam kết trong EVFTA.

Thành Đạt