chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Tỉ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan đã giảm khá mạnh. |
Tại đây, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM đã điểm lại một số kết quả và kiến nghị trong cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Theo đó, một số kết quả tích cực ta đã đạt được có thể kể đến như: Số mặt hàng phải thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm từ 100.000 (năm 2015) xuống còn 78.000. Tỉ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan chỉ còn 19,4%, so với mức 30-35% trước đây. Ngoài ra, tính đến tháng 6/2020 đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối với 198 thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa.
Tuy nhiên, theo bà Thảo, sự chuyển biến trong cải cách chưa đạt được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Mục tiêu của Chính phủ là giảm 50% mặt hàng kiểm tra chuyên ngành tại thời điểm thông quan. Một mục tiêu khác là tỷ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan dưới 10%.
“Tính đến nay đã có 13 Bộ, ngành tham gia kết nối 198 thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia, nhưng nhìn chung vận hành chưa hiệu quả, cách làm vẫn hình thức, vừa làm truyền thống và vừa làm online, vô hình trung gây khó cho doanh nghiệp", bà Thảo nhấn mạnh.
Trong gần 2 năm, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã tăng lên hơn 120 văn bản, điều đó đã gây khó khăn, lúng túng cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật và áp dụng.
Trong khi đó, chất lượng văn bản còn chưa cao, thường xuyên thay đổi, điều chỉnh, thậm chí có quy định ở văn bản mới còn mâu thuẫn và trái ngược với quy định của pháp luật hiện hành. Nhiều lĩnh vực chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc “quản lý rủi ro” trên cơ sở mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo bà Thảo, CIEM đã nghiên cứu và phát hiện 12 nhóm bất cập. Các bất cập này đã nêu nhiều lần nhưng chuyển biến chậm, dẫn tới nhiều rủi ro cho doanh nghiệp như chi phí lưu kho bãi, phạt hành chính do chậm thông quan, lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, chưa cắt giảm chi phí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn như phí kiểm dịch thú y và vấn đề lấy mẫu kiểm nghiệm. Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn là nơi lấy số lượng mẫu nhiều nhất, số lượng/ khối lượng mẫu quá lớn, kết quả chỉ có 1 thử nghiệm nhưng tính phí theo số lượng mẫu, 5 mẫu thì tính phí tương tự như 5 thử nghiệm.
Hay, trong khi danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn tương đối rộng (78.000 mặt hàng), thì vẫn có mặt hàng chưa đầy đủ mã hồ sơ hoặc chưa đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
“Đối với kiểm tra nhà nước về an toàn lao động thực hiện trước thông quan, đây là quy định phi lý, được phản ánh nhiều lần, song chưa có động thái sửa đổi nào. Trong khi đó, quy định về kiểm tra hiệu suất năng lượng tạo thêm nhiều gánh nặng chi phí và thời gian bất hợp lý cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề được phản ánh nhiều lần nhưng chưa được bộ ngành nào quan tâm.”, bà Thảo nhấn mạnh.
“Cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay đang quá mức cần thiết, chưa áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế tốt, tạo rào cản không cần thiết cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất sức cạnh tranh”, bà Thảo nói.
Vướng mắc mã số mã vạch nước ngoài
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong thời gian qua, doanh nghiệp phản ánh những vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thuỷ sản xuất khẩu.
Thủ tục đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài đòi hỏi nhiều giấy tờ, hồ sơ khó xin được từ khách hàng lại phải nộp trực tiếp tại hải quan, không được làm trực tuyến nên doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và nhiều khi không đủ hồ sơ theo yêu cầu của GS1 (hệ thống tiêu chuẩn). Điều này dẫn tới doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, chi phí, thậm chí bị cơ quan hải quan xử phạt hành chính do không xin được giấy xác nhận của GS1.
“Rõ ràng đây là sự cản trở cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, VASEP kiến nghị bỏ quy định này trong dự thảo Thông tư ghi nhãn điện tử.", ông Nam nói.
Bên cạnh đó, về vấn đề mức thu phí công đoàn hiện nay, đại diện VASEP cho rằng, mức phí công đoàn thu hiện nay quá cao và việc thu phí công đoàn chưa công bằng với các tổ chức xã hội khác. Trong khi đó, tài sản công đoàn hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn không phục vụ lại cho công đoàn viên.
Do vậỵ, VASEP kiến nghị giảm mức đóng phí công đoàn theo quỹ lương của người sử dụng lao động từ mức 2% xuống còn 1%.
Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đã nêu lên những bất cập trong quy định về mã số mã vạch tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và có kiến nghị đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá và dự thảo thông tư nghi nhãn điện tử.
Đại diện Eurocham cũng đồng tình với ý kiến của VASEP và cho rằng, nên bỏ để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Theo đại diện CIEM, trong thời gian tới tiếp tục coi trọng cải cách, đơn giản hoá, tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục; tiếp tục thực hiện cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành phù hợp với thông lệ quốc tế tốt và yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do.
CIEM kiến nghị, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng chỉ đạo sát sao việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết liên quan tới cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Đặc biệt, cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết triệt để các vấn đề và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ và tham gia thảo luận chính sách…
Thanh Hằng