chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Theo ông Đỗ Văn Đông, hiện nay hoạt động đấu thầu thuốc tập trung là thực hiện theo Luật Đấu thầu. Điều 49 Luật Đấu thầu quy định: “Mua thuốc tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia và cấp địa phương”.
Ông Đông cho biết, thực tế cũng cho thấy chúng ta đã tiết kiệm được chí phí so với phương thức mua sắm cũ. Việc mua sắm tập trung ở cấp quốc gia đã được nhiều nước áp dụng. Đồng thời, phương thức đấu thầu tập trung ở tuyến tỉnh, thành phố hiện đã có 53/63 tỉnh, thành phố áp dụng có hiệu quả.
Tuy nhiên do đây là phương thức mới, có tầm ảnh hưởng lớn tới hệ thống khám chữa bệnh trên toàn quốc nên Bộ Y tế xác định việc triển khai cần thận trọng, chắc chắn với mục tiêu đảm bảo đủ, liên tục nguồn cung ứng thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh nên danh mục thuốc trong giai đoạn đầu sẽ chỉ lựa chọn một số mặt hàng để triển khai và rút kinh nghiệm, sau đó sẽ nhân rộng.
Trước mắt đối với đấu thầu tập trung cấp quốc gia sẽ lựa chọn các mặt hàng thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm (NCD) chủ yếu là các bệnh mãn tính, phải sử dụng thuốc dài ngày, có chi phí điều trị cao (nhóm thuốc ung thư, tiểu đường, tim mạch).
Đối với các thuốc ngoài danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, nếu thuộc danh mục thuốc đàm phán giá sẽ do Hội đồng đàm phán giá thực hiện, nếu thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, sẽ do các tỉnh, thành phố tổ chức đấu thầu tập trung, ngoài ra các đơn vị sẽ thực hiện đấu thầu theo đúng các quy định hiện hành về đấu thầu mua thuốc theo Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, ông Đông cũng cho rằng, bên cạnh những cái khó khăn khi triển khai và bảo đảm nguồn cung ứng liên tục cho gói thầu tập trung lớn thì hiện nay Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, các đơn vị liên quan để có lộ trình triển khai phù hợp để vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước nhân rộng.
Thuốc trong nước có lép vế?
Liên quan tới đấu thầu thuốc, có ý kiến đặt vấn đề, với phương thức đấu thầu mới, liệu thuốc sản xuất trong nước có bị “lép vế” so với thuốc ngoại nhập không.
Đối với thuốc sản xuất trong nước, Luật Đấu thầu 2013 đã bổ sung những quy định rõ ràng trong việc ưu tiên cho thuốc sản xuất trong nước. Cụ thể, thứ nhất, nhà thầu cung ứng thuốc sẽ được hưởng ưu đãi nếu thuốc có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên.
Trong trường hợp này, nếu áp dụng phương pháp giá đánh giá hoặc giá thấp nhất thì nhà thầu được hưởng ưu đãi tương ứng 7,5% giá dự thầu hoặc trong trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá sẽ được hưởng ưu đãi 7,5% điểm tổng hợp để đánh giá lựa chọn nhà thầu.
Thứ hai, đối với thuốc sản xuất trong nước được Bộ Y tế công bố đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu.
Do vậy, với việc bổ sung các quy định trên, cùng với các quy định về chấm điểm ưu tiên trong đánh giá lựa chọn nhà thầu đối với các nhà máy sản xuất thuốc trong nước khi dự thầu trực tiếp, việc phân nhóm thuốc trong đấu thầu thì thuốc trong nước sẽ có nhiều cơ hội trúng thầu cung ứng cho các cơ sở y tế, qua đó sẽ thúc đẩy sản xuất thuốc trong nước.
Căn cứ Điều 77 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu, Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung và hướng dẫn mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương, bảo đảm từ năm 2016 thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Hiện Bộ Y tế đã hoàn thiện và chuẩn bị ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Phương Duy