chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết, công tác kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã đạt một số kết quả, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cải cách, vẫn tồn tại nhiều bất cập từ trình tự, thủ tục, phương thức kiểm tra.
Trong nhiều báo cáo, cũng như ý kiến của doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN cho thấy còn tình trạng xung đột trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, trong khi đó, hiệu quả kiểm tra không cao. Trong vòng 5 năm tỷ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng chưa đến 0,03% so với tỉ lệ mẫu đưa ra.
Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo ngại chính hiện nay là chưa đầy đủ tiêu chuẩn tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn tại cuộc họp. Ảnh:VGP. |
Có danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đầy đủ dẫn tới khó khăn cho cơ quan thực thi, ảnh hưởng tới quá trình thông quan hàng hóa của DN.
“Với những bất cập hiện nay, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng cho DN, là một trong yếu tố chiếm tỷ trọng khá lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hóa mà hiện vẫn chưa được cải thiện đáng kể theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, từ đó dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới” – lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Trước thực tế trên, Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành nhằm đổi mới căn bản, tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành. Qua đó tạo thuận lợi đầu tư, thương mại, đảm bảo an ninh an toàn và lợi ích quốc gia, cũng như đảm bảo thực thi đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm trong các hiệp định song phương và đa phương.
Do vậy, với vai trò cơ quan được Chính phủ giao soạn thảo Đề án, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động phối hợp các hiệp hội, bộ ngành, DN, đồng thời tham khảo ý kiến chuyên gia, phù hợp điều kiện Việt Nam để xây dựng Đề án: “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Hiện đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Đây là chủ trương lớn, cải cách, tiên tiến, phù hợp các nước tiên tiến. “Đề án nhằm cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí, giảm thời gian cho DN, phát huy trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Cẩn nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, bà Lê Nguyễn Việt Hà, Phó Trưởng phòng Giám quản 1ý (Cục Giám sát quản lý về hải quan) đã giới thiệu 7 nội dung cải cách lớn: Giao cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra gồm: Kiểm tra chặt; kiểm tra thông thường; kiểm tra giảm; đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra (chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu); áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của DN; ở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, với dự kiến bổ sung 18 nhóm đối tượng để giảm chi phí quản lý nhà nước và chi phí của DN; ứng dụng hệ thống CNTT trong mô hình mới để cắt giảm thời gian, hỗ trợ DN và các cơ quan hữu quan.
Mô hình mới cắt giảm nhiều bước kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Theo đó, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt do cơ quan Hải quan thực hiện cắt giảm 3 bước thủ tục so với bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện, gồm: DN nộp kết quả chứng nhận hợp quy/giám định do tổ chức chứng nhận/giám định thực hiện cho cơ quan kiểm tra chất lượng để kiểm tra lại; DN nhận thông báo kết quả kiểm tra chất lượng từ bộ quản lý ngành, lĩnh vực; DN nộp kết quả kiểm tra chất lượng do bộ quản lý ngành, lĩnh vực cấp cho cơ quan hải quan để làm thủ tục nhập khẩu.
Đối với kiểm tra an toàn thực phẩm, thực hiện cắt giảm 2 bước thủ tục so với cơ quan được bộ quản lý ngành, lĩnh vực giao/chỉ định thực hiện gồm: DN nhận thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm từ cơ quan được bộ giao/chỉ định; DN nộp kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm do cơ quan được bộ giao/chỉ định cấp cho cơ quan hải quan để làm thủ tục nhập khẩu.
“Theo mô hình mới này, DN chỉ phải đăng ký kiểm tra chất lượng, đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm với cơ quan hải quan, lựa chọn tổ chức giám định và thông báo cho cơ quan hải quan, thông quan hàng hóa nếu hàng hóa đạt chất lượng, đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm. DN không phải đi lại giữa cơ quan kiểm tra nhà nước và cơ quan hải quan, từ đó giảm chi phí, thời gian cho DN”, bà Lê Nguyễn Việt Hà cho hay.
Dự kiến, đề án sẽ thực hiện theo hai giai đoạn. Thứ nhất là từ năm 2020 đến năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để làm cơ sở triển khai thực hiện đề án; đánh giá, tổng kết việc thực hiện đề án và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn 2.
Từ năm 2023 đến năm 2026, rà soát, sửa đổi bổ sung các luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.
Anh Minh