Bản Để In

Điểm sáng xếp hạng, Việt Nam vẫn cần đẩy mạnh cải cách

(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm do COVID-19, Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất được cả 3 tổ chức xếp hạng thế giới nâng triển vọng lên mức "Tích cực". Nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn cần cải cách mạnh mẽ để kinh tế khởi sắc và nâng tín nhiệm quốc gia.

05/28/2021 10:33

Theo Bộ Tài chính, ngày 21/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor's Global Ratings (“S&P”) thông báo về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng từ "Ổn định" lên "Tích cực". Như vậy, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên "Tích cực".

Thành tích chưa từng có tiền lệ

Chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng (NHNN), trong bối cảnh đại dịch đang ngày càng căng thẳng, thế giới đầy bất ổn, nhiều quốc gia bị giảm mức tín nhiệm và suy giảm triển vọng nhưng Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả 3 tổ chức xếp hạng thế giới nâng triển vọng lên mức "Tích cực", chủ yếu do nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng và kiểm soát tốt dịch bệnh, các cán cân thanh toán thặng dư, vĩ mô ổn định.

Chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe cho rằng, việc giữ mức xếp hạng tín nhiệm, nâng triển vọng lên “Tích cực” của các tổ chức quốc tế, trong ngắn hạn chưa tác động nhiều tới thị trường, có thể sẽ không làm giá cổ phiếu tăng. Nhưng chắc chắn sẽ tăng uy tín của Việt Nam về lâu dài và cũng mở ra cơ hội huy động nguồn vốn tốt hơn cho nền kinh tế. Đặc biệt, trong năm 2021, Việt Nam với bộ máy Chính phủ được kiện toàn đã có hành động quyết liệt, giữ vững mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Cách thức chống dịch trong làn sóng dịch thứ 4 này cũng đã khác trước, để hạn chế thấp nhất các tác động xấu tới đời sống kinh tế-xã hội và không để đứt gãy chuỗi sản xuất-cung ứng. Kinh nghiệm chống dịch và kỹ năng xét nghiệm của Việt Nam đã tốt lên, Chính phủ đang nỗ lực tối đa mở rộng việc tiêm vaccine.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, đây là kết quả đáng ghi nhận nếu nhìn ra thế giới, trong năm 2020, đã có 124 lượt hạ bậc và 133 lượt hạ triển vọng trên toàn thế giới. Tính đến ngày 21/5/2021, đã có 16 quốc gia bị hạ bậc trên toàn thế giới từ kết quả đánh giá của ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn toàn cầu là Moody’s, S&P và Fitch.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá triển vọng, tín nhiệm của 1 quốc gia dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như: Cải cách hành chính công, quản lý nợ công, hoạt động đầu tư mua sắm Chính phủ, có nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó, nợ công, nợ Chính phủ, cơ chế cải cách hành chính…

Một trong những lý do Việt Nam được nâng triển vọng là đã kiềm chế tốt dịch COVID-19 và có tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất thế giới. Đây là cơ hội để nhà đầu tư tăng cường lòng tin, đầu tư vào Việt Nam.

Khó khăn bộn bề do COVID-19 và mục tiêu nâng hạng

Dù đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, do có độ mở cao, nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như tại các nước trong khu vực.

Các chuyên gia bày tỏ kỳ vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng tín nhiệm. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc Việt Nam giữ và nâng bậc triển vọng quốc gia có tác động tích cực đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Mức xếp hạng tín nhiệm và triển vọng quốc gia được các nhà đầu tư nước ngoài xem xét như một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó. Do vậy, khi triển vọng tín nhiệm quốc gia tăng lên chứng tỏ quốc gia đó đang có những triển vọng tích cực về mức độ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong trường hợp cải thiện được thứ hạng tín nhiệm, Việt Nam sẽ có cơ hội huy động vốn và đa dạng nguồn vốn huy động trên thị trường vốn quốc tế, có thể vay với lãi suất thấp hơn, nghĩa là chi phí vay giảm.

Tuy nhiên, để được nâng hạng tín nhiệm, Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Chuyên gia Phạm Xuân Hòe đồng tình với quan điểm cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, trong đó, hoạt động điều hành ngày càng kỹ trị hơn, đổi mới tư duy trong việc hoạch định chính sách.

Các cân đối lớn của nền kinh tế, các chỉ số tăng trưởng được lượng hóa, tính toán đồng bộ, không rời rạc mà có sự kết nối và lan tỏa.

Các chính sách kiểm soát dịch, tính toán chi phí nguồn lực đầy đủ. Đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành dịch vụ như du lịch, hàng không… đang rất khó khăn. Ông Phạm Xuân Hòe cũng ủng hộ quan điểm về việc thúc đẩy kinh tế số và thanh toán không dùng tiền mặt, tận dụng lợi thế về độ bao phủ dân số sử dụng mạng internet khá cao, phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy phổ biến các phương thức thanh toán trực tuyến…

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh
Còn theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, trong nhìn nhận của các “ông lớn” xếp hạng tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam đã có thành tựu phát triển ấn tượng hơn nhiều so với các quốc gia có xếp hạng tương đồng.

Chính phủ đã có các giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả cùng với các biện pháp hỗ trợ hoạt động kinh tế hiệu quả.

Mặc dù vậy, Việt Nam cần hướng tới các mục tiêu cao hơn, vì dư địa cải cách vẫn còn rất nhiều để phấn đấu có thứ hạng tín nhiệm ngang với các nền kinh tế có thứ hạng cao trên thế giới, chứ không chỉ so với các đối thủ “đồng cân đồng lạng”.

Tuy nhiên, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là bài toán không đơn giản đối với các cơ quan điều hành, để thực hiện được, Việt Nam cần đi một “chặng đường dài” với nỗ lực bền bỉ.

Trong đó, có hàng loạt công việc cần phải làm, đó là tập trung tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý chính sách, trước hết là các luật liên quan đến kinh tế. Luật pháp phải chặt chẽ, có tính ổn định, tương thích cao với thông lệ quốc tế. Nếu thay đổi quy định cần phải có quy trình thống nhất, được thông báo trước, tránh để trường hợp nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc, khó lường đoán như một số quy định trước đây.

Tiếp đó, cơ chế quản lý kinh tế cần được tiếp tục hoàn thiện và đổi mới theo hướng làm sao công khai minh bạch, giảm thiểu những nội dung không rõ ràng. Cần cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các chi phí tiếp cận thị trường, thời gian tìm hiểu văn bản cũng như thực thi các luật, quy định của Nhà nước. Quy trình đầu tư công, cũng như mua sắm Chính phủ, cần được thực hiện trên cơ sở đấu thầu chặt chẽ, công khai minh bạch hơn… Đồng thời, Việt Nam cũng cần cải thiện khả năng quản lý nợ công, giảm bớt tỉ lệ nợ công/GDP, nợ Chính phủ/GDP…bảo đảm tỉ lệ an toàn cao.

Các chính sách quản lý cần tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế phát triển công bằng, bình đẳng và đúng pháp luật, khu vực kinh tế tư nhân được tạo điều kiện phát triển mạnh…

“Khi được nâng hạng tín nhiệm, vị thế kinh tế của Việt Nam được nâng cao. Theo đó, chắc chắn khi cần vay nợ trên trường quốc tế, sẽ có nhiều ưu đãi với lãi suất thấp hơn, thời hạn vay nợ có thể được kéo dài, các điều kiện liên quan đến bảo lãnh, các điều kiện khác được nới lỏng… Đến lúc đó, chúng ta thu hút đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp dễ dàng, thuận lợi, các chi phí khác thấp, lợi đơn lợi kép”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh góp ý.

Huy Thắng