Bản Để In

Điều kiện kinh doanh ngành GTVT có gì mới?

(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 63 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới và Nghị định 65 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

07/06/2016 11:42
Tinh thần của cả hai Nghị định này đều là vừa tăng cường quản lý, giảm bớt các thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm

Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết: “Nguyên tắc của Nghị định 63 là thông thoáng, minh bạch hơn để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đồng thời đáp ứng tiêu chí kiểm soát chặt chất lượng kiểm định”.

Cũng theo ông Hình, sự thông thoáng, minh bạch thể hiện bằng các quy định rõ ràng và giảm các thủ tục “tiền kiểm” tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhưng đồng thời tăng điều kiện “hậu kiểm” để kiểm soát chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn như Nghị định bỏ việc chấp thuận chủ trương mà thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt, đơn giản hóa thủ tục trước khi cấp. Nghị định cũng bỏ thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận hoạt động kiểm định, thay vào đó sẽ “hậu kiểm” bằng hình thức xử lý thu hồi giấy chứng nhận, đình chỉ hoạt động.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị định số 63 là quy định đơn vị đăng kiểm không đồng thời được kinh doanh hoặc có liên quan trực tiếp với tổ chức vận tải khách bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe. Nếu đơn vị đăng kiểm là doanh nghiệp cổ phần, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới không được nắm giữ 10% cổ phần.

Theo đại diện Cục Đăng kiểm VN, Nghị định không cấm các doanh nghiệp đầu tư mà đặt ra nguyên tắc trên nhằm kiểm soát chặt chất lượng dịch vụ, không để xảy ra chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Thực tế, đã xảy ra một số trường hợp doanh nghiệp vừa làm trung tâm đăng kiểm vừa làm dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa nên đã có biểu hiện “ép” tất cả xe bị phát hiện lỗi sau khi đăng kiểm phải vào cơ sở sửa chữa của mình khắc phục với giá cao.

Không phải xin lại giấy phép

Về Nghị định 65, ông Lương Duyên Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết điểm nổi bật được loại bỏ là quy định thời gian cấp lại giấy phép cho trung tâm đào tạo, sát hạch thay vì quy định 5 năm cấp lại một lần như trước.

“Việc bỏ quy định về thời gian cấp phép có thể được coi là quy định cải cách để tạo thuận lợi hơn cho các cơ sở đào tạo, sát hạch. Khi đó, các cơ sở sau khi được cấp phép sẽ yên tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ và không phải lo xin lại giấy phép sau 5 năm hoạt động nữa”, ông Thống nói và cho biết, Nghị định cũng bổ sung một số quy định để cơ quan Nhà nước có thể tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định.

Là doanh nghiệp đầu tư cả trung tâm đào tạo lẫn sát hạch lái xe, ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cho rằng, Nghị định mới với quy định bỏ thủ tục xin cấp lại giấy phép hoạt động là một cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và yên tâm đầu tư dài hạn.

“Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện cho một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe rất lớn nên việc thu hồi vốn đầu tư cần thời gian dài. Trước đây, cứ 5 năm các trung tâm lại phải làm hồ sơ xin gia hạn nên chưa tạo được sự yên tâm cho các nhà đầu tư”, ông Toản nói.

Cũng theo ông Toản, thực ra trong quá trình hoạt động, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đã phải đáp ứng những điều kiện cụ thể và được cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ. Khi thanh tra, kiểm tra cơ quan quản lý có thể phát hiện sai phạm và đình chỉ hoạt động ngay tức khắc. Chính vì vậy thủ tục cấp lại giấy phép hoạt động là không cần thiết. Việc bỏ quy định này trong Nghị định số 65 tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo báo Giao thông