Bản Để In

DN bất động sản đang "ngóng" từng ngày

(Chinhphu.vn) – Chỉ còn vài ngày nữa, quy định bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai phải được tổ chức tài chính, tín dụng bảo lãnh sẽ được áp dụng. Nhưng các doanh nghiệp đang lo ngay ngáy vì chưa biết thực hiện theo hướng dẫn nào…

06/25/2015 09:24
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết các doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề bảo lãnh dự án BĐS
Ngày 1/7/2015 sẽ là thời điểm Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, trong đó đáng chú ý có quy định chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo đó, chủ đầu tư trước khi bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng trong trường hợp doanh nghiệp không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Ngân hàng bảo lãnh sẽ cam kết hoàn trả số tiền mà khách hàng đã thanh toán và các khoản tiền khác (nếu có) trong trường hợp chủ đầu tư chậm bàn giao sản phẩm.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Bảo lãnh dự án bất động sản – liệu có rủi ro” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu cho biết doanh nghiệp đang “ngóng” hướng dẫn của NHNN để thực hiện. Theo ông, đây là vấn đề được quan tâm nhất.

Theo ông Hiệp, hướng dẫn phải hết sức cụ thể, vì thực tế do đặc thù kinh tế Việt Nam, nhà ở bán trên thị trường phần lớn là hình thành trong tương lai, nhà đầu tư phần lớn là nhỏ. Nhưng bảo lãnh thế nào, cách làm thế nào để phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp đang phân vân ngân hàng sẽ bảo lãnh tín chấp hay thế chấp? Không phải doanh nghiệp nào cũng có tài sản thế chấp, dự án cả nghìn tỷ, rồi mức phí bảo lãnh là bao nhiêu? Rủi ro càng lớn phí bảo lãnh càng cao. Nếu doanh nghiệp có đủ uy tín thì phí bảo lãnh phải càng thấp. Nghị định hướng dẫn thật rõ thì càng dễ thực hiện và bảo đảm được”, ông Hiệp nêu ý kiến.

Ông cũng cho biết, có ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng nên lùi thời gian áp dụng vì lo ngại việc thực hiện không khả thi khi chưa có hướng dẫn.

Trả lời câu hỏi trên, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho hay, về bản chất, bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai là một hình thức bảo lãnh ngân hàng.

Hiện tại, hoạt động bảo lãnh của các ngân hàng đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-NHNN ngày 03/10/2012 quy định về bảo lãnh ngân hàng. Hay nói cách khác, việc bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đã có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện (Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản và Thông tư 28).

Theo chương trình xây dựng pháp luật năm 2015 của NHNN, hiện NHNN đã xây dựng và đang hoàn thiện lần cuối dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 28 nhằm hướng dẫn rõ hơn nội dung quy định về bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Dự kiến, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 28 sẽ được NHNN ban hành trong tháng 6 này.

Còn Bộ Xây dựng thì cho hay, Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS mới được Bộ trình Chính phủ ngày 15/6 vừa qua.

Trước những lo ngại về quy định mới sẽ làm tăng chi phí, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản đang gặp không ít nhiều khó khăn, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, hiện đã có doanh nghiệp bất động sản hợp tác với ngân hàng để thực hiện bảo lãnh. Đặc biệt, chủ đầu tư và ngân hàng không tính mức phí bảo lãnh vào giá bán.

“Không phải vì phí bảo lãnh mà thị trường sẽ “nguội” đi hay “ấm” lên. Bản chất việc thị trường “nóng” hay “nguội” là do cung - cầu chứ không vì phí bảo lãnh”, ông Vũ Văn Phấn khẳng định.

Thanh Hằng