Bản Để In

DN e dè với công nghiệp hỗ trợ, vì sao?

(Chinhphu.vn) - Những cản trở lớn nhất đối với việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam là vốn đầu tư lớn; thiếu hỗ trợ tích cực từ chính sách thuế, đất đai, khoa học kỹ thuật; thiếu nhân lực có chất lượng.

08/02/2014 06:41

Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Trương Anh Hoài lấy ví dụ: Samsung có nhu cầu được cung ứng 150 loại linh kiện cho hoạt động sản xuất điện thoại di động. Tuy nhiên, qua khảo sát của Bộ Công Thương với các DN điện tử đầu ngành trong nước thì không nơi nào có khả năng đáp ứng. Vì nếu chỉ để sản xuất được vỏ điện thoại thì DN phải đầu tư công nghệ, phần mềm có chi phí khoảng 500 triệu USD (mức đầu tư quá cao so với năng lực của các DN Việt Nam).

Ước tính, chỉ trong năm 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ kiện ngành điện tử, dệt may, da giày có thể lên đến khoảng 53,2 tỷ USD. Chỉ cần DN trong nước sản xuất được 10-15% linh kiện cho ngành sản xuất công nghệ cao là đã mang lại giá trị không nhỏ.

“Tuy nhiên, phần lớn các DN, ngay cả những DN quy mô lớn còn e dè, khi nói đến lĩnh vực này. Rào cản lớn nhất trong phát triển các ngành công nghiệp đó là công nghệ sản xuất. Trong khi đó, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lại đòi hỏi công nghệ cao, có mức đầu tư lớn”, ông Trương Anh Hoài nhận định.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, đối tác cung cấp sản phẩm CNHT cho các DN FDI (hiện chiếm 79,2% tổng vốn đăng ký ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) hầu hết đều từ nước ngoài. Chính vì vậy, DN CNHT trong nước khó tiếp cận để cung cấp đầu vào cho các DN FDI.  Đồng thời, do chi phí trung bình cao, giá bán cao nhưng chất lượng của những sản phẩm CNHT sản xuất trong nước còn thấp nên khó cạnh tranh.

Hiện tỷ lệ DN hoạt động trong ngành CNHT chiếm một phần rất nhỏ: sản xuất linh kiện kim loại có khoảng 1.000 DN; sản xuất linh phụ kiện cho ngành dệt may là 1.300 DN;  ô tô đang có khoảng 210 DN và chỉ sản xuất được những phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa…

Tìm đầu ra, gỡ hướng phát triển cho ngành CNHT Việt Nam đòi hỏi phải có những chính sách cụ thể và thiết thực hơn như: Tạo thuận lợi về quỹ đất cho các DN CNHT thuê lâu dài, ổn định với giá ưu đãi; chính sách thuế, cần xếp các DN sản xuất CNHT vào nhóm DN ưu đãi về thuế; nới lỏng các chính sách tín dụng để giúp DN tiếp cận được nhiều nguồn vốn ưu đãi…

Ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng vướng mắc cơ chế khiến nhiều DN muốn cũng không thể phát triển được CNHT.

“Công ty Cơ khí Ô tô Sài Gòn (Samco) của TPHCM đã lắp ráp ô tô từ những năm 1995 với quy mô lớn và được Nhà nước đầu tư bài bản. Tuy nhiên, từ năm 2009, dự án đầu tư cụm sản xuất ô tô 120 ha tại Củ Chi (TPHCM) bị vướng rất nhiều về cơ chế (giải phóng mặt bằng, vốn vay, nhân lực), ý kiến các bộ ngành nên đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Trong khi đó, Công ty Trường Hải, một DN tư nhân ra đời sau nhưng đến nay đã có nhà máy lắp ráp ô tô lớn tại Quảng Ngãi và đã sản xuất được một số linh kiện, phụ kiện như kính, cản trước, gạt nước. Năm 2013, Trường Hải đã xuất khẩu được gần 7 triệu USD”, vị lãnh đạo TPHCM cho biết.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định về phát triển CNHT dự kiến sẽ trình Chính phủ và ban hành vào quý IV/2014, chủ yếu tập trung vào các biện pháp hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, tiếp cận khách hàng… đối với các DN CNHT Việt Nam.

Đồng thời, Nghị  định cũng bổ sung một số ưu đãi về thuế thu nhập DN và các quy định về đầu tư xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia cung cấp linh kiện và vật liệu toàn cầu đầu tư vào Việt Nam.

Thanh Thủy