Bản Để In

DN, hộ kinh doanh cần được tiếp cận thuận lợi các gói hỗ trợ miễn thuế

(Chinhphu.vn) – Bộ Tài chính đã xây dựng xong dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành một số giải pháp thu ngân sách Nhà nước nhằm hỗ trợ DN, người dân kinh doanh chịu tác động của dịch COVID-19. Các chuyên gia đánh giá, những giải pháp được nêu ra trong dự thảo là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, cần có quy trình thủ tục rõ ràng, đơn giản tối đa để các chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống.

08/11/2021 09:03

Bộ Tài chính đã xây dựng xong dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành một số giải pháp thu ngân sách Nhà nước nhằm hỗ trợ DN, người dân kinh doanh chịu tác động của dịch COVID-19.

Nỗ lực lớn của ngân sách trong bối cảnh khó khăn

Theo Bộ Tài chính, năm 2021 để tiếp tục hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện một số giải pháp hỗ trợ như tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN), tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021…

Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng DN, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của năm 2020 cũng như kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của DN, người dân, đặc biệt là DN có quy mô nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, do đó, việc xem xét, đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ DN, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021 là cần thiết.

Trong dự thảo Nghị quyết do Bộ Tài chính xây dựng có quy định giảm 30% số thu thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng. Giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III, IV/2021 với hộ và cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.

Giảm thuế VAT kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2021 với DN, tổ chức hoạt động trong một số ngành dịch vụ, gồm vận tải (đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ); dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động chiếu phim; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch…

Cụ thể, DN, tổ chức có hoạt động kinh doanh dịch vụ quy định tại khoản này thực hiện nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế VAT…

Dự thảo cũng quy định miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020. Không xử lý phạt đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.

Theo đánh giá tác động Nghị quyết, việc thực hiện các đề xuất nêu trên có thế làm giảm thu ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Tính chung các giải pháp đã được Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho DN, người dân năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng. Trong đó, gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118 nghìn tỷ đồng; gói giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung đề xuất nêu trên là khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Cần có độ bao phủ rộng, đơn giản tối đa thủ tục hành chính

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá cao việc Chính phủ liên tục giao các bộ, ngành thiết kế các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, khi thiết kế chính sách, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu lấy ý kiến góp ý từ cả cộng đồng DN, bảo đảm thực thi với thủ tục đơn giản, hiệu quả nhất. 

Với giải pháp thứ nhất, trong dự thảo mà Bộ Tài chính xây dựng là giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2021 nhưng chỉ với quy mô 200 tỷ đồng trở xuống (như năm 2020), ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, số DN thụ hưởng không nhiều vì trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, có nhiều DN giảm mạnh lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Đại diện VCCI cho rằng chính sách giảm thuế cho DN có doanh thu 2021 không quá 200 tỷ đồng sẽ loại bỏ một số DN nhỏ và vừa ra khỏi đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này. Vì thế nên mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế TNDN là các DN có tổng doanh thu không quá 300 tỷ đồng.

Với giải pháp giảm 50% cho hộ kinh doanh, đại diện VCCI đánh giá có hữu ích hơn, như “mũi tên trúng hai đích”, vừa giúp cho các hộ kinh doanh, vừa hỗ trợ lực lượng lao động bởi khu vực kinh tế này có đóng góp tới 30% GDP nên có ảnh hưởng lớn tới xã hội. Việc giảm thuế cho khu vực này là một sự đột phá về mặt chính sách, thể hiện Chính phủ không chỉ quan tâm các DN lớn mà còn cả hộ cá nhân kinh doanh - đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. 

Chủ tịch VCCI cũng đánh giá giải pháp giảm thuế VAT với các DN kinh doanh dịch vụ như vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch là rất đúng, nhưng cần giảm tới 50% thay vì 30% để tạo ra hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn đối với các ngành đang chịu ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi dịch bệnh.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp hiện nay, dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ DN, người dân kinh doanh chịu tác động của dịch COVID-19 là cố gắng rất lớn.

Về việc giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2021 nhưng chỉ với quy mô 200 tỷ trở xuống, việc giảm thuế này tiếp nối từ chính sách năm 2020 đã được chứng minh là trợ lực rất cần thiết cho DN có thêm nguồn lực trước mắt duy trì hoạt động.

Về giải pháp giảm 50% cho hộ kinh doanh thuế cho các hộ gia đình và cá nhân kinh doanh mọi ngành nghề lĩnh vực địa bàn là gói lớn cho 6 tháng cuối năm, trong đó, đáng chú ý là diện được hỗ trợ mở rộng  miễn giảm thuế với các hộ kinh doanh nhiều địa phương, đặc biệt đang gặp nhiều khó khăn do yêu cầu phải giãn cách xã hội.

Về giải pháp giảm thuế VAT với các DN kinh doanh dịch vụ như vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn là hết sức cấp thiết, đặc biệt trong điều kiện giãn cách xã hội, thu nhập DN ở lĩnh vực này giảm đi, hoặc thua lỗ, người lao động gặp nhiều khó khăn.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đặc biệt đồng tình với chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi họp với các bộ ngành, hiệp hội DN trong quá trình xây dựng chính sách phải bảo đảm các quy định được đơn giản hoá tối đa để các DN, hộ kinh doanh có thể tiếp cận trong bối cảnh liên tục gặp nhiều khó khăn bất thường, khi đất nước đang phải căng mình “chống dịch như chống giặc”.

Do đó, khi xây dựng Nghị quyết, quan trọng là cần cụ thể hoá các quy trình, đơn giản hoá thủ tục để DN người dân không gặp khó khăn khi tiếp cận. Trong đó, cần tính đến việc nhiều DN, hộ kinh doanh, người dân đang ở các khu vực về giãn cách xã hội, rất khó để cần các giấy tờ, các bản xác nhận trong điều kiện bình thường. Do đó, các quy trình phải rất rõ ràng, có thể áp dụng điện tử hoá hoặc bãi bỏ, đơn giản hoá tối đa thủ tục.

Ông Đinh Trọng Thịnh nhận định Chính phủ đã có chính sách về tài khoá và các chính sách mà ngành ngân hàng đang triển khai quyết liệt như giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, miễn giảm lãi vay; các gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ hỗ trợ người lao động…; miễn giảm tiền đóng bảo hiểm… Đây là những giải pháp tổng hợp thể hiện sự đồng hành của Chính phủ với DN, hộ kinh doanh và người dân.

Huy Thắng