chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
![]() |
Các giải pháp Chính phủ cần ưu tiên để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời gian tới |
Theo khảo sát vừa được công bố sáng 9/12, các doanh nghiệp cho rằng, chỉ khi kinh tế vĩ mô ổn định, các doanh nghiệp mới có thể dự báo chuẩn xác về triển vọng kinh doanh, tránh những rủi ro tài chính đáng tiếc, đồng thời thúc đẩy hoạt động đầu tư làm cải thiện tăng trưởng trong dài hạn.
Báo cáo viết: Trong hai năm vừa qua, nhiệm vụ “ổn định kinh tế vĩ mô” đã trở thành ưu tiên hàng đầu thay cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao như những năm trước đó. Đây là phương án ưu tiên, cũng là mục tiêu chính yếu mà Chính phủ cần tập trung đạt được.
Có gần 76% doanh nghiệp cho rằng cần “tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp thông qua các gói hỗ trợ tài chính, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế”. Trong khi hơn 74% doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cần “đơn giản hóa và giảm gánh nặng TTHC cho doanh nghiệp”.
Các yếu tố tiếp theo là nâng cao tính hiệu lực và minh bạch của các quyết định, chính sách; cải thiện cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải.Như vậy, có thể thấy mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp về cơ bản đã gặp gỡ các định hướng lớn của Chính phủ thời gian tới. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ tổ chức ngày 2/12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định một trong những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ trong năm 2015 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn.
Cùng với đó là tập trung cải cách thể chế, luật pháp, thủ tục hành chính… tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh…
DN tin nền kinh tế khởi sắc
Kết quả đầu tiên mà báo cáo ghi nhận là nền kinh tế và kinh doanh có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong giai đoạn 2014 – 2015.
![]() |
Dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2015 |
Điều tra cho thấy các doanh nghiệp rất tự tin với kết quả kinh doanh năm 2014 của mình, khi phần đông doanh nghiệp (hơn 50%) nhận định, cả doanh thu, lợi nhuận, năng suất lao động, lượng đơn hàng của họ đều tăng hơn so với năm trước.
Về tổng thể, 64,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định, tình hình sản xuất kinh doanh của họ trong năm 2014 tốt hơn năm 2013, 28,6% nhận định kinh doanh ổn định, và chỉ 7,1% nhận định tình hình kinh doanh xấu hơn năm 2013.
Với sự tự tin đó, gần 95% số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán kinh doanh năm 2015 sẽ “cơ bản ổn định” và có xu hướng “tăng lên” so với năm trước, đặc biệt về doanh thu, lợi nhuận và lượng đơn hàng. Trong năm 2015, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị và số lượng công nhân viên sẽ được duy trì như năm 2014.
Tuy nhiên, khi được hỏi về hiệu quả của công cuộc tái cơ cấu kinh tế trong 3 lĩnh vực: tài chính – ngân hàng, đầu tư công và DNNN, phần đông cho rằng tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước “chưa có hiệu quả rõ rệt”, với tỷ lệ lựa chọn đáp án này lần lượt là 70,5% và 64,4%. Ngược lại, tái cơ cấu tài chính – ngân hàng đang được thực hiện khá hiệu quả, khi trên 65% số doanh nghiệp lựa chọn đáp án “hiệu quả” và “rất hiệu quả”.
Hà Chính