Bản Để In

Doanh nghiệp kỳ vọng vào Chính phủ hành động

(Chinhphu.vn) – Bước sang năm 2017, với sự tạo đà của 2016 và những chính sách mới đã và đang được triển khai, bắt đầu phát huy tác dụng, với quyết tâm của một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, triển vọng phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 khá khả quan.

01/28/2017 08:02

Báo Điện tử Chính phủ giới thiệu một số nhận định và chia sẻ từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trước thềm Xuân Đinh Dậu về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các DN có vốn FDI

Ông Nguyễn Văn Toàn: Với sự tạo đà của 2016, triển vọng phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 khá khả quan

Năm 2016, với định hướng đúng đắn và sự chỉ  đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, tận dụng những cơ hội của hội nhập, kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả khả quan: Tăng trưởng GDP đạt 6,21% tuy không đạt mục tiêu đề ra song cũng là mức cao trong khu vực trong điều kiện thiên tai nghiêm trọng trong nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD cao nhất từ trước tới nay, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt kỷ lục, đặc biệt vốn giải ngân đạt 15,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; 110.000 doanh nghiệp mới được thành lập với số vốn đăng ký lên tới 891.000 tỷ đồng... Những con số chứng tỏ đã có những chuyển biến khá tích cực trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Bước sang năm 2017, với sự tạo đà của 2016 và những chính sách mới đã và đang được triển khai, bắt đầu phát huy tác dụng, với quyết tâm của một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, triển vọng phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 khá khả quan.

Tuy nhiên, để biến sự khả quan thành hiện thực, cũng cần lường định những khó khăn khi có những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, khi các nước, các khu vực chi phối kinh tế thế giới như Mỹ , EU, Trung Quốc… có những thay đổi bất thường về chính sách kinh tế, những biến động địa chính trị khu vực và thế giới. Chính sách hướng nội của tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump và tuyên bố của ông về TPP cũng như những hậu quả khó lường của Brexit luôn đặt ra những khó khăn cho việc dự báo và hoạch định. Với TPP, chúng ta không nên đặt nhiều kỳ vọng.

Về kinh tế đối ngoại, chúng ta cần tận dụng tốt hơn nữa những thời cơ hội nhập như cộng đồng kinh tế Asean, các FTA với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.... về thương mại như xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu vùng, thương hiệu quốc gia. Về đầu tư như sự lan tỏa của FDI với doanh nghiệp trong nước, sự tham gia chuỗi giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp Việt... Bên cạnh đó cần có các giải pháp khắc phục được những thách thức đặt ra từ FTA.

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực của hội nhập khi có những diễn biến bất thường của kinh tế thế giới và khu vực, bên cạnh việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư , kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính... cũng cần có chính sách đột phá phát triển để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo năng lực cạnh tranh cao cho các thương hiệu và sản phẩm Việt Nam.

Với thị trường hơn 90 triệu dân, khi sức cạnh tranh của hàng hóa Việt được cải thiện, chúng ta sẽ tăng đáng kể thị phần trong nước, đem lại lợi ích kép cho nền kinh tế.

Phong trào khởi nghiệp cũng đang cần những chính sách khuyến khích tạo hành lang thuận lợi để phát triển.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh những quyết tâm đổi mới sáng tạo, cần có sự hợp tác liên kết, đẩy mạnh sự phát triển của các hiệp hội, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng, tạo sức mạnh lan tỏa, xây dựng thương hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.

Với tinh thần dũng cảm, sự quyết tâm và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của chính phủ và niềm tin, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam 2017 sẽ khởi sắc.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Việt Đức

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Năm 2017 cũng là lúc Việt Nam cần dựa vào phát triển kinh tế biển và du lịch

Với tư duy về Chính phủ kiến tạo như hiện nay, doanh nghiệp kỳ vọng lớn vào tầm nhìn và thiện chí của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đi sâu, đi sát, đưa ra được 3 đồng hành, 5 hỗ trợ với doanh nghiệp, tạo được dấu ấn, niềm tin với doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tin vào Chính phủ, tin vào chính sách thì kinh tế mới phát triển.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn cần sự thay đổi về nhân lực, nhận thức quản lý Nhà nước, nhìn ra được điểm nghẽn của kinh tế, coi kinh tế tư nhân là chủ lực.

Rất nhiều địa phương trông chờ vào Trung ương. Tuy nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ đi làm việc với một loạt các địa phương, Thủ tướng đều nhấn mạnh, các địa phương cần chủ động phát huy khả năng, thế mạnh của mình. Chính phủ chỉ làm vai trò kiến tạo, kết nối, khích lệ các địa phương phát triển.

Năm 2017 cũng là lúc Việt Nam cần dựa vào phát triển kinh tế biển và du lịch. Biển không chỉ đem lại nhiều nguồn lợi to lớn để phát triển kinh tế, mà còn là địa thế quốc phòng, an ninh mang tính chiến lược hàng đầu của đất nước. Trong xu thế phát triển này, vừa qua, Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) để trình Quốc hội. Các đặc khu kinh tế này sẽ là cú huých cho kinh tế Việt Nam.

Quan trọng nữa là năm 2017, Nhà nước phải thu được tiền từ doanh nghiệp cổ phần, tập trung cổ phần hóa các tổng công ty lớn một cách công khai.

Năm 2016, Chính phủ đã tạo được nhiều đột phá về tư duy, tạo đà cho kinh tế Việt Nam 2017 phát triển. Với nội lực sẵn có, nếu gỡ các rào cản, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh, đồng thời nếu tạo được môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng đến lúc đó các rào cản cũng sẽ tự mất đi.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước

Ông Trần Văn Lĩnh: Năm 2017, Chính phủ cần có các giải pháp để nền kinh tế tránh rơi vào kinh tế gia công

Trong năm 2016, tuy tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu đề ra nhưng xét chung, nền kinh tế Việt Nam trong 2016 đã tăng trưởng khá, đứng thứ 3 châu Á.

Với sự nỗ lực chỉ đạo quyết liệt, cơ chế tốt, đặc biệt là chủ trương về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo của Thủ tướng, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc trong 6 tháng cuối năm 2016. Do đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2017 có thể nói sẽ khá lạc quan. Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% đặt ra cho năm 2017 là mức cao nhưng sẽ khả thi nếu Chính phủ lường trước được những khó khăn, thách thức để có giải pháp điều hành quyết tâm và đúng hướng, thể chế hóa các mục tiêu đã đặt ra.

Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng là Chính phủ cần đưa ra những nỗ lực cao nhất để tăng trưởng bền vững, lành mạnh, phát huy tối đa nội lực trong nước chứ không chỉ ở số lượng, chú ý chất lượng tăng trưởng.

Năm 2017, Chính phủ cần có các giải pháp để nền kinh tế tránh rơi vào kinh tế gia công, phát triển hệ thống bán lẻ. Có như vậy cuộc sống của người dân mới được nâng cao hơn.

So với việc tăng giá, lạm phát, đặc biệt cần chú ý đến nền nông nghiệp. Các tháng cuối năm 2016, mặc dù GDP tăng nhưng giá thực phẩm lại giảm khiến người nông dân bị thua lỗ, do đó trong năm 2017, Chính phủ bên cạnh việc chỉ đạo tăng trưởng kinh tế cần phải bảo đảm chất lượng tăng trưởng, bảo đảm cuộc sống của người dân, nhất là người nông dân.

Doanh nghiệp cũng kỳ vọng Chính phủ đưa ra những chính sách tốt nhưng cần có sự cải tiến bộ máy làm việc. Hiện bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh, trong khi chúng ta không có khoản ngân sách lớn để tạo ra cú huých cho nền kinh tế. Vì vậy việc đưa bộ máy hành chính trở nên tinh, gọn, nhẹ, tốn ít ngân sách là cần thiết.

Một trong số các vấn đề doanh nghiệp kỳ vọng là Chính phủ đưa ra các giải pháp quản lý hiệu quả hơn việc đóng BHXH. Có thể nói ở Việt Nam việc đóng BHXH lớn nhưng việc quản lý, sử dụng nguồn quỹ chưa hiệu quả.

Ngoài ra, lãi suất vay của doanh nghiệp hiện nay vẫn còn cao (6% lãi suất vay ngân hàng). Năm 2017, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sẽ có những giải pháp hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội

Ông Mạc Quốc Anh: Chính phủ mới đang hành động tích cực để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh

Thứ nhất, Chính phủ mới đang hành động tích cực cải cách thủ tục hành chính, pháp lý để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành nghĩa vụ với quốc gia, tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí, từ đó nâng cao năng suất lao động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp.

Thứ hai, việc phát động chương trình quốc gia khởi nghiệp; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với việc tái cấu trúc, tư nhân hóa thực chất các doanh nghiệp Nhà nước sẽ tạo động lực cho nền kinh tế năng động hơn, sáng tạo hơn và cạnh tranh lành mạnh hơn.

Thứ ba, chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt trên khía cạnh kinh tế sẽ tiếp tục giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu; thu hút và đón các nguồn vốn, dự án đầu tư, đặc biệt là những dự án có hàm lượng công nghệ và vốn cao từ các quốc gia phát triển.

Một chút biến động từ khả năng Mỹ rút khỏi TPP sẽ không thể đảo ngược xu thế hội nhập quốc tế mà Việt Nam theo đuổi trong suốt thời gian qua với các hiệp định thương mại song phương, đa phương rất triển vọng khác.

Thứ tư, Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực hành động để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển nội lực quốc gia, hướng vị trí chủ đạo trong nền kinh tế đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các cuộc vận động, các phong trào ưu tiên tiêu dùng hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thương hiệu và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nước nhà.

Ông Ninh Hữu Chấn, Thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam

Ông Ninh Hữu Chấn: Những chỉ đạo sát sao của Chính phủ sẽ tạo những hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp

Chúng tôi cũng nhận thấy những tín hiệu tích cực trong việc Chính phủ mới điều hành nền kinh tế của đất nước, cải tổ mạnh mẽ cơ cấu tổ chức, tạo được niềm tin trong dân và các doanh nghiệp.

Chúng tôi mong muốn từ những chỉ đạo sát sao của Chính phủ sẽ tạo ra được sự đổi mới trong tầng lớp cán bộ thi hành, tạo những hành lang thông thoáng cho các danh nghiệp làm ăn, phát triển. Và đó là nền tảng để kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới.

Nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập vào nền kinh tế thế giới và nằm trong nhóm kinh tế mới nổi thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đồng nghĩa với sức chịu đựng cao trước những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ các nền kinh tế khác. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, điều hướng của Chính phủ, chúng tôi hoàn kỳ vọng nền kinh tế sẽ được duy trì ổn định và tiếp đà phát triển theo đúng dự báo.

Việt Nam là nước có dân số đứng thứ 13 thế giới, đứng thứ 2 khu vực ASEAN trong đó, dân số trẻ với nhu cầu tiêu dùng tăng cao sẽ tạo nên nhiều cơ hội dành cho ngành ôtô.

Năm 2016, khi kinh tế Việt Nam phải chịu nhiều tác động từ các yếu tố kinh tế chính trị ở khu vực và thế giới nhưng thị trường ôtô đạt mức tăng trưởng ở mức 30% được xem là một tín hiệu đáng mừng. Những chính sách mới được áp dụng đối với thị trường ôtô trong năm 2017 hứa hẹn sẽ mang đến một kết quả tốt, thúc đẩy phát triển công nghiệp ôtô và các ngành công nghiệp phụ trợ, và trên hết là đem lại lợi ích dành cho khách hàng.

An Thủy Hằng