Bản Để In

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hỗ trợ để “ra khơi”

(Chinhphu.vn) - Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam còn quá nhỏ, quá đơn giản để bước ra thị trường thế giới.

08/07/2014 11:02

Đó là chia sẻ của PGS.TS Phạm Bích San, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại hội thảo “Nâng cao vị thế doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trên thị trường toàn cầu: Cách thức và định hướng phát triển” được tổ chức chiều 6/8 tại Hà Nội.

Theo “Báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 6 vừa qua, số lượng doanh nghiệp SME rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng với số lượng doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2013 là 60.700 DN, tăng 11,9% so với 2012 và tăng 12,5% so với 2011.

Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp SME cũng có chiều hướng suy giảm. Nếu coi tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ cộng đồng DN là một chiếc bánh, thì trong năm 2010 lợi nhuận của doanh nghiệp SME chiếm hơn 1/5 nhưng đến năm 2012, mẩu bánh này thu nhỏ chỉ còn 7,26%.

Hiện diện của doanh nghiệp SME Việt Nam trên thị trường thế giới cũng được đánh giá là khá mờ nhạt. Theo báo cáo trên, số lượng doanh nghiệp SME có hoạt động xuất khẩu chỉ ở mức 11.000 DN.

PGS.TS Phạm Tất Thắng (Trường Cán bộ Công Thương Trung ương) đánh giá, hội nhập kinh tế quốc tế đang làm cho biên giới quốc gia mờ đi một cách tương đối, mở ra một thị trường thống nhất rộng lớn trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Ông Thắng chỉ ra một số điểm yếu của doanh nghiệp SME Việt Nam để có thể bước ra biển lớn như: Thiếu kiến thức bài bản, các dịch vụ hỗ trợ tư vấn, vốn và nguồn nhân lực phù hợp. Bên cạnh đó, dù những nguyên tắc “tự do hóa”, “không phân biệt đối xử” mở ra khả năng cho mọi doanh nghiệp bước ra biển lớn. Tuy nhiên, ở đó có nhiều “cạm bẫy”, đặc biệt là các rào cản thương mại hay kỹ thuật đang được dựng lên một cách dày đặc. Các doanh nghiệp SME Việt Nam với những hạn chế về nhân lực và trình độ thường không đủ nguồn lực để tiếp cận những thông tin xác thực và ứng phó những rủi ro này.

Việc thiếu thông tin của doanh nghiệp SME thể hiện rõ qua việc đo lường mức độ hiểu biết của họ đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore được công bố cuối năm 2013 điều tra về nhận thức và sự quan tâm của doanh nghiệp tại các nước ASEAN với AEC, các doanh nghiệp tại Việt Nam có hiểu biết và nhận thức rất hạn chế về AEC: 76% DN không hiểu biết về AEC, 63% DN cho rằng AEC có ảnh hưởng rất ít tới việc kinh doanh của họ, và đa phần không hiểu về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia AEC vào năm 2015. Theo một khảo sát khác của diễn đàn mạng lưới ASEAN, tính tới tháng 12/2013, chỉ 20% DN được khảo sát hiểu biết về các cơ hội, thách thức đến từ AEC. 80% số DN còn lại phần lớn là doanh nghiệp SME.

Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam, trong một sân chơi toàn cầu với các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp SME chỉ có lựa chọn duy nhất là bị thôn tính, đè bẹp hoặc linh hoạt tìm ra những thị trường ngách để tồn tại và phát triển, ông Phạm Tất Thắng chia sẻ.

Ông Phạm Bích San cho rằng, tuy có nhiều tổ chức dành cho doanh nghiệp SME tại Việt Nam, nhưng nhiều hoạt động còn chưa đi vào thực chất. Các tổ chức của khối doanh nghiệp SME và nghiên cứu về SME cần là đại diện, là tiếng nói và tập trung đánh giá các chính sách phát triển của Nhà nước trong thời gian vừa qua đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, những tổ  chức này phải là nơi cung cấp thông tin cho doanh nghiệp SME về tình hình kinh tế, chính sách trong nước, các thị trường xuất khẩu và hoạt động của các doanh nghiệp SME trên thế giới để các doanh nghiệp Việt Nam có được những bài học kinh nghiệm và sự hợp tác trên bình diện toàn cầu. Ông San cũng hi vọng việc hiện diện của đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ quốc tế  (ISSME) tại Việt Nam sẽ góp phần hỗ trợ SME Việt Nam trên đường ra biển lớn.

Tại hội thảo, ông Sunil D Sharma, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ quốc tế (ISSME) cũng giới thiệu tới cộng đồng SME Việt Nam những nét chính về tổ chức này. ISSME là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ, được thành lập với mục tiêu là tổ chức toàn cầu của các doanh nghiệp nhỏ và giúp đỡ các tổ chức liên kết nhằm hỗ trợ sự phát triển toàn diện và bền vững của các doanh nghiệp SME thông qua việc trao đổi kiến thức và các cơ hội kết nối.

Theo TS Phạm Thế  Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu SME Việt Nam (RISME), RISME và ISSME đang nỗ lực để sớm ra mắt trung tâm ISSME tại Việt Nam với mục tiêu là cầu nối cho các SME Việt Nam tham gia vào các hoạt động của ISSME toàn cầu và bước ra thế giới, nắm bắt các cơ hội kinh doanh toàn cầu.

Công Việt