Bản Để In

Doanh nghiệp nói gì về những nỗ lực cải cách?

(Chinhphu.vn) - Bộ Công Thương mới đây tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính, sau khi đã cắt giảm hàng trăm thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh trước đó. Bộ Giao thông vận tải cũng công bố việc cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực chuyên ngành.

05/21/2018 10:31
Các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ đều có sự cải thiện rất nhiều so với trước đây.

Sau đây là một số suy nghĩ và đề xuất của doanh nghiệp xung quanh việc tinh giản thủ tục hành chính trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty T&M Forwarding: Giảm được chi phí hoạt động

- Việc Bộ Giao thông vận tải cắt giảm điều kiện kinh doanh liên quan về tài chính, quy mô, năng lực sản xuất, đã góp phần làm giảm các chi phí hoạt động cho doanh nghiệp. Trong đó, việc bỏ điều kiện về số lượng xe tối thiểu phải có đã giúp cho doanh nghiệp nhỏ có thể tham gia thị trường vận tải nội địa dễ dàng hơn.

Trên thực tế, thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong việc đáp ứng về số lượng xe tối thiểu, trong khi yêu cầu này không mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển và giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi các điều kiện về sở hữu tài sản phù hợp hơn với thực tiễn các xu hướng vận hành hiện tại, theo đó, doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn hình thức kinh doanh có tài sản và phi tài sản.

Ngoài ra, quyết định bãi bỏ điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức nội địa là một quyết định sát thực tế. Dịch vụ vận tải ngày nay đang đi theo xu hướng trọn gói từ tay người gửi đến tay người nhận (door-to-door) và mạng lưới phục vụ rộng rãi, tận nơi (end-to-end), vậy nên sự kết hợp giữa các hình thức vận tải là điều đương nhiên. Trên thực tế, các công ty giao nhận đang cung cấp các dịch vụ vận tải đa phương thức nội địa dù có hay không có giấy phép. Việc bỏ điều kiện này giúp cho 3.000 doanh nghiệp logistics tránh được vi phạm các quy định của pháp luật.

Các cơ quan quản lý cũng cần quy định cách thức quản lý phù hợp, có tính khả thi. Ví dụ, quy định về tài sản tối thiểu cho vận tải đa phương thức quốc tế là cần thiết, nhưng cần quy định sao cho thuận lợi trong việc chứng minh tài sản. Hiện nay, hình thức phổ biến để chứng minh điều kiện tài sản tối thiểu là thông qua bảo lãnh ngân hàng hoặc kiểm toán, với chi phí khá cao. Theo tôi, các cơ quan quản lý cần chấp nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, báo cáo tài chính hàng năm làm cơ sở xác định tài sản tối thiểu. Cơ quan quản lý có thể thực hiện việc kiểm tra định kỳ, hậu kiểm và có hình thức xử phạt với các công ty cung cấp số liệu không chính xác. Việc này giúp doanh nghiệp giảm các chi phí không cần thiết.

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty Vận tải Lâm Vinh: Chú trọng khâu kiểm tra thay vì đề ra nhiều quy định

- Việc cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải sẽ giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi hơn.

Những điều kiện trước đây làm khó doanh nghiệp như phải có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh; nơi đỗ xe đảm bảo các yêu cầu về phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường... khi được bãi bỏ sẽ giúp doanh nghiệp tự chủ hơn thay vì phải làm đối phó với quy định.

Các quy định về điều kiện kinh doanh sẽ không phát huy tốt tác dụng nếu cơ quan quản lý không kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp. Do vậy, thay vì đề ra nhiều quy định ban đầu thì các cơ quan quản lý nên chú trọng khâu kiểm tra, giám sát, cùng với đó là những hình thức chế tài mạnh trong việc xử lý vi phạm, để tạo sự minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ): Tiếp tục rà soát thêm quy định chưa hợp lý

- Việc cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh cho thấy những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc “cởi trói”, tạo điều kiện trong hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Đơn cử, đối với điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương điều chỉnh thời gian thực hiện thủ tục từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày đối với việc cấp lại, điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Việc điều chỉnh thủ tục này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo khi hết hạn.

Tuy nhiên, điều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo mong muốn là hủy bỏ một số quy định vô lý và bổ sung một số quy định cần thiết trong xu thế hội nhập, cạnh tranh gay gắt của ngành gạo. Cụ thể, theo quy định hiện nay, cho dù doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo nhưng khi xuất khẩu vẫn không được hải quan thông quan nếu thiếu phần xác nhận của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Thời gian để VFA thông qua hồ sơ thường mất hai ngày, nhưng chậm trễ chỉ là một vấn đề, vấn đề khác lớn hơn là “phép vua thua lệ làng”. Hơn nữa, thông tin xuất khẩu của doanh nghiệp bị rò rỉ, bị bán ra ngoài, gây thiệt hại lớn.

Hoặc như việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa bằng những hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi, theo tôi phải được bổ sung đưa vào quy định đối với điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong xu thế gạo các nước đang tràn vào Việt Nam.

Ông N.M.T, Giám đốc truyền thông Công ty Thời trang N: Nên có mùa giảm giá

- Trong lĩnh vực khuyến mãi, Bộ Công Thương cho phép thương nhân được lựa chọn một trong ba cách thức đăng ký thực hiện khuyến mãi, bao gồm qua đường bưu điện, trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, dịch vụ công trực tuyến. Trước đây không có cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đối với quy định về việc thông báo thực hiện khuyến mãi, thời hạn gửi thông báo đến sở công thương được giảm từ 7 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mãi.

Thay vì đề ra nhiều quy định ban đầu thì các cơ quan quản lý nên chú trọng khâu kiểm tra, giám sát, cùng với đó là những hình thức chế tài mạnh trong việc xử lý vi phạm, để tạo sự minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường.

Như vậy, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính này giúp doanh nghiệp giảm được thời gian chờ đợi, từ đó “đẩy” hàng thời trang ra thị trường nhanh hơn.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần tiếp tục có những sửa đổi, bãi bỏ những quy định chưa hợp lý. Đơn cử, theo quy định hiện hành, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mãi. Quy định này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thời trang - với đặc trưng sản phẩm mới phải đưa ra thị trường liên tục, sản phẩm trước đó nhanh chóng bị lỗi mốt.

Muốn tiêu thụ nhanh hàng tồn, doanh nghiệp cần có mức khuyến mãi giảm giá cao, có thể lên tới 60-70%, trong khi quy định không cho phép. Thiết nghĩ, Bộ Công Thương nên xây dựng cơ chế mùa giảm giá - một năm có một số ngày cụ thể, được giảm giá thật mạnh để doanh nghiệp tung ra thị trường những sản phẩm thời trang đã lỗi mốt. Mùa giảm giá ấy sẽ giúp doanh nghiệp thu hồi phần nào vốn để tiếp tục tái sản xuất và giúp người tiêu dùng được hưởng lợi, mua hàng tốt với giá giảm sâu.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3: Đừng quá siết chặt doanh nghiệp hiện nay

- Chính phủ và các bộ ngành, địa phương thời gian gần đây đã dồn sức lớn để cải tiến thủ tục hành chính, rút ngắn và bỏ bớt nhiều thủ tục gây phiền hà, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với ngành dệt may thì nhìn chung dù có nơi chuyển biến nhanh, có nơi chậm nhưng bức tranh chung là các thủ tục hải quan và thuế được cải tiến hơn, không còn nhiều doanh nghiệp than vãn về thuế hay hải quan.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn cho doanh nghiệp dệt may. Gần đây, các doanh nghiệp dệt may hay than thở quy định thời gian kiểm tra thủ tục xuất nhập khẩu còn tính trong thời gian năm năm gần nhất. Doanh nghiệp muốn rút ngắn thời gian xuống chỉ còn khoảng ba năm vì hồ sơ doanh nghiệp lưu trữ cho cả 5-6 năm là rất phiền phức, khó khăn.

Ngoài ra, một trong những quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde (phoóc môn) và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may cần được cơ quan quản lý ngành công thương nới lỏng, không quá siết chặt đối với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gỗ An Cường: Thủ tục xuất khẩu đã bớt vướng mắc

- Trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ, hầu hết các thủ tục hành chính liên quan đều có sự cải thiện rất nhiều so với trước. Tuy nhiên, lâu lâu lại “đẻ” ra một quy định mới gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, doanh nghiệp tôi vừa rồi đầu tư mở rộng nhà xưởng tại một khu công nghiệp với diện tích đất 10 héc ta, đến khi thiết kế xong thì lại có quy định một nhà xưởng có diện tích hơn 20.000 mét vuông phải được Bộ Xây dựng thẩm định, thủ tục có khi phải mất hết mấy tháng. Điều này là vô lý bởi theo tôi, chỉ cần ban quản lý các khu công nghiệp hoặc chính quyền tỉnh, thành phê duyệt cấp giấy phép xây dựng dạng nhà xưởng theo đúng quy định là được. Quy định này có khi buộc doanh nghiệp phải tính đường “lách” bằng cách chia nhỏ diện tích thiết kế nhà xưởng, làm đường nội bộ xen cài để khỏi phải mất thời gian, công sức đi xin thẩm định ở cấp bộ.

Trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gỗ hay nhiều ngành nghề công nghiệp khác thì quan trọng nhất là ba khâu gồm nguồn nguyên liệu, tổ chức sản xuất và xuất khẩu. Cả ba khâu này cho đến nay đều có nhiều bước cải tiến lớn từ các ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn. Đặc biệt, trước đây nhiều vướng mắc trong các thủ tục xuất khẩu hàng hóa thì nay đã gỡ bớt.

Dù vậy, một trong những khó khăn lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa khu vực các tỉnh phía Nam là vấn đề hạ tầng giao thông. Cụ thể là đường sá dẫn vào các cảng còn nhỏ hẹp, liên tục kẹt xe và thậm chí là hàng bị kẹt tại cảng, điều này làm đội chi phí lớn cho doanh nghiệp.

Nhóm phóng viên
Theo TBKTSG
*Tiêu đề do tòa soạn đặt