Bản Để In

'Đòi giám đốc phải có bằng đại học thì làm sao startup'

(Chinhphu.vn) – “Các Bộ, ngành cần bãi bỏ các điều kiện vô lí, vì sự thông minh của con người nhiều khi không phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc”, chuyên gia nói về các điều kiện kinh doanh.

02/26/2019 08:41
Đề xuất loại kinh doanh dịch vụ mua bán nợ khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất sửa đổi Phụ lục 4 Luật Đầu tư theo hướng bãi bỏ 26 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không phù hợp với mục đích quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư.

 Đồng thời, bổ sung 03 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để thống nhất với Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp và Luật Báo chí, bao gồm: (i) tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp; (ii) đăng kiểm tàu cá; (iii) kinh doanh sản phẩm báo chí.

Cùng với đó, Bộ đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp để bãi bỏ chế độ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; bãi bỏ yêu cầu giám đốc, tổng giám đốc phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh.

Phân tích kỹ hơn về các nội dung này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ sự băn khoăn về các quy định bắt buộc về trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm của người làm giám đốc doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.

“Bởi vì, hiện nay, xu hướng tuyển dụng là không cần bằng cấp. Tuy nhiên, khi tôi tìm hiểu các điều kiện kinh doanh thì phổ biến trình độ phải từ cao đẳng trở lên và kinh nghiệm phải từ 2 - 5 năm? Vậy thì tại sao chúng ta lại muốn có startup? Rõ ràng chúng ta mong muốn những người không có trình độ chuyên môn hoặc đang còn là sinh viên thành lập doanh nghiệp, nhưng đó là điều không thể”, ông phân tích tại hội thảo gần đây.

“Cho nên, chúng tôi gương mẫu yêu cầu các Bộ, ngành bãi bỏ các điều kiện vô lí nêu trên, vì sự thông minh của con người nhiều khi không phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc”, ông Hiếu phát biểu.

Ông Phan Đức Hiếu cũng bày tỏ quan điểm cụ thể với một số điều kiện kinh doanh cụ thể trong các ngành nghề kinh doanh.

Theo quy định tại Nghị định 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm thì một trong các điều kiện để được cấp phép là phải “có phương án kinh doanh” gồm có 4 nội dung bắt buộc. Nghị định 151/2018/NĐ-CP đã sửa đổi điều kiện này thành “có phương án kinh doanh” với 2 nội dung bắt buộc.

Như vậy, so với trước đây, nghị định mới đã đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và được tính là một điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa. Tuy nhiên, theo ông Hiếu. đối chiếu với Luật Đầu tư thì điều kiện kinh doanh này không bảo vệ mục tiêu nào, trong khi can thiệp quá mức vào quyền tự chủ của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp kinh doanh theo phương án nào, có hiệu quả hay không là do ý chí của họ và do thị trường quyết định.

Nhiều vấn đề cũng cần xem xét trong các quy định liên quan đến việc tập huấn trong một số ngành nghề.

“Tại sao chủ doanh nghiệp và người hành nghề không thể đến bất kỳ tổ chức nào có chất lượng dịch vụ tốt hơn, chi phí rẻ hơn để được tập huấn? Như ngành nghề quản lý chung cư, nhiều chung cư có bộ phận quản lý chuyên nghiệp, hoàn toàn có thể tổ chức tập huấn. Giao việc tập huấn cho sở thì sở cũng lại phải đi mời chuyên gia về, vì cơ quan quản lý nhà nước làm gì có trường lớp, cơ sở vật chất để tổ chức tập huấn”, ông Hiếu phân tích.

“Hoặc tại sao phải yêu cầu được cơ quan nhà nước Việt Nam cấp chứng chỉ hành nghề”? Kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề kiểm toán của các tổ chức Mỹ, Anh, Australia có uy tín, được thế giới công nhận cấp có được hành nghề không, hay vẫn phải đợi cơ quan quản lý tài chính của ta cấp lại?”, ông Hiếu đặt vấn đề.

Cũng theo vị chuyên gia, nhiều quy định về một số năm kinh nghiệm hay thời hạn của giấy phép cũng không hợp lý. 

“Nếu tôi mở một nhà máy, dốc hết vốn liếng vào đó, nhưng chứng chỉ hành nghề của tôi lại chỉ có 5 năm, nhỡ sau 5 năm không được gia hạn thì sao? Rủi ro lớn lắm, như thế ai dám đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, mọi đơn vị nghề nghiệp có chức năng kiểm tra, kiểm định cần được tách ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước, trao hẳn nhiệm vụ này cho khu vực tư nhân. Các bộ không cần, không nên duy trì các cơ quan kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi. Tôi không thấy lý do gì cản trở khu vực tư thực hiện các dịch vụ loại này”, ông Phan Đức Hiếu bày tỏ quan điểm.  

Đề xuất bãi bỏ xuất khẩu gạo ra danh mục kinh doanh có điều kiện
Trong một diễn biến liên quan, Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam (VBLC) vừa có góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư.

Theo đó, VBLC đề xuất bãi bỏ 26 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc Danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục của Luật Đầu tư.

Đứng đầu Danh mục các ngành nghề kinh doanh các điều kiện được đề xuất bãi bỏ là ngàn nghề kinh doanh dịch vụ xoa bóp với lý do là ngành này đã được quản lý bằng điều kiện an ninh, trật tự theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

Tiếp đó là đề xuất bãi bỏ ngành nghề hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại. Các luật sư cho rằng, hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại (Mục 17) không phản ánh bản chất của một ngành, nghề kinh doanh, bởi “Trung tâm trọng tài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận” (Khoản 2 Điều 27 Luật Trọng tài thương mại). Hơn nữa, đây là cơ quan tài phán, được thành lập với mục đích xét xử.

Ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ cũng được các luật sư kiến nghị bãi bỏ. Lý do là về bản chất, mua bán nợ là giao dịch trong đó một khoản nợ (cùng với các quyền và nghĩa vụ gắn với khoản nợ đó) được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. Dịch vụ mua bán nợ chỉ là dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy các giao dịch mua bán nợ nói trên. Kết quả của giao dịch mua bán nợ không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ, mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó.

23 ngành nghề khác thuộc Danh mục cũng được đề xuất bãi bỏ như: Kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LGP); xuất khẩu gạo… 

Thanh Hằng