Bản Để In

Dồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, phục hồi kinh tế

(Chinhphu.vn) – Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

05/18/2020 03:12

Tại Thái Nguyên, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ, như: rà soát tình hình thực hiện dự án, xác định các khó khăn, vướng mắc của từng dự án về thủ tục đầu tư, đất đai, kế hoạch vốn, thủ tục giải ngân để kịp thời giải quyết và tháo gỡ.

Theo ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, Thái Nguyên triển khai các giải pháp kinh tế - xã hội mang tính “bắc cầu” giữa thời điểm có dịch và hết dịch. Từ đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư công, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các chính sách mới, phù hợp để thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ được giao...

Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp... Từ đầu năm đến nay, tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 221 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 1.400 tỷ đồng, cấp điều chỉnh thay đổi 764 doanh nghiệp, cấp thành lập hơn 100 đơn vị trực thuộc, số doanh nghiệp giải thể là 27 doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước...

Ngoài ra, Thái Nguyên cũng triển khai các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho các thành phần kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh trên nguyên tắc “nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả”, thực hiện tốt việc gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí, lệ phí, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi... dành cho doanh nghiệp, đổi mới hoạt động giao dịch thương mại, theo hướng trực tuyến, điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa các hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm....

Qua thống kê mới nhất của tỉnh Thái Nguyên, do tác động của dịch COVID-19, trong 4 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu ước đạt 9,03 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ và bằng 30,6% kế hoạch cả năm, tổng giá trị nhập khẩu trên địa bàn ước đạt 4,88 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ.

Dịch bệnh đã khiến cho 5.300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng; trong đó có 250 doanh nghiệp thiệt hại 70% doanh thu trở lên, 4.250 doanh nghiệp thiệt hại 30 - 70% doanh thu, 800 doanh nghiệp bị thiệt hại dưới 30% doanh thu, các doanh nghiệp bị thiệt hại về doanh thu, sản xuất ước tính khoảng 50.000 tỷ đồng..

Tại Quảng Ninh, ngày 16/5, tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến đến tất cả các địa phương trong tỉnh, với sự tham gia của đại diện hơn 400 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước có hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh Quảng Ninh.

Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh hiện có trên 19.450 doanh nghiệp. Do tác động của dịch COVID-19, đại đa số doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Tính đến 30/4, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh mới đạt 19,7% so với kế hoạch phát triển doanh nghiệp năm 2020, số vốn đăng ký giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 203 đơn vị, tăng 70,6% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 522 đơn vị, tăng 32,15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn 70 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp gửi đến đã được các sở, ban, ngành tổng hợp và trả lời nhân hội nghị này; doanh nghiệp cũng nêu nhiều ý kiến kiến nghị trực tiếp tại hội  nghị. Các kiến nghị chủ yếu tập trung vào các nhóm nội dung: cơ chế chính sách về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; bảo hiểm xã hội; lao động; thủ tục hành chính... do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, doanh thu của các doanh nghiệp trong quý I năm 2020 và dự báo cả năm năm 2020 bị sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị đình trệ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các quý, năm tiếp theo. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do đó, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn với mục tiêu giữ vững kết quả đã đạt được; đồng thời, khởi động mạnh mẽ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, ổn định xã hội. Tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử cho các doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung xử lý vướng mắc về lao động cho doanh nghiệp…

Tại TPHCM, ngay sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp đã từng bước đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường, đồng thời chủ động có những giải pháp để thúc đẩy phát triển bền vững hơn nữa.

Ghi nhận ý kiến doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã chủ động duy trì sản xuất, thích nghi với biến động thị trường. Đặc biệt, những doanh nghiệp nào đã thực hiện chủ trương tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều năm qua càng có lợi thế phát triển bền vững và vẫn đảm bảo được nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, do nguồn nguyên liệu, nhất là nguồn nhập khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thêm nhà cung cấp mới, tìm nguồn nội địa, xin gia hạn thời gian giao hàng cho khách, chấp nhận mua hàng với giá cao hơn hoặc hàng thay thế tương đương.

Để tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng kiến nghị chính quyền Thành phố cần đồng hành cùng doanh nghiệp ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu và các thị trường nước ngoài khi các nước nới lỏng cách ly.

Mặt khác, Thành phố cần chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang Việt Nam do dịch COVID-19. Ngân hàng cần ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường…

Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, với tình hình doanh nghiệp như trên, trong cơn bão COVID-19 khả năng trụ lại của doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh cũng đã đề ra nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ cụ thể. Trước mắt và quan trọng là hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động từ tháng 5 đến tháng 6/2020; hỗ trợ bảo đảm tính thanh khoản của doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

TP. Hồ Chí Minh cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư thiết bị có lợi thế của địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước kể cả sản phẩm xuất khẩu. TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa trong doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Thanh Hằng