Bản Để In

Dồn sức cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) – Các tỉnh ĐBSCL đang triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

06/06/2020 08:14

Tại Hậu Giang, ngày 5/6, UBND tỉnh có buổi làm việc nghe báo cáo kết quả đánh giá Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh và cấp huyện (DDCI) năm 2019.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhận định, cùng với việc thực hiện đánh giá, xếp loại việc cải cách hành chính đối với các sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, Bộ chỉ số DDCI là mảnh ghép quan trọng để có những đánh giá, nhận định khách quan. Từ đó, chính quyền các cấp tiếp tục có những bước khắc phục, cải thiện để nâng cao chất lượng phục vụ, tăng chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh để nghị, trên cơ sở kết quả đánh giá, các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch khắc phục những hạn chế và phương hướng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của đơn vị, địa phương mình, phấn đấu thành tích cao hơn về xếp hạng cho năm 2020; trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, nhất là việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp; cần tiến hành cải thiện toàn diện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của trung tâm hành chính công cấp tỉnh; cải thiện trang thông tin điện tử của đơn vị, địa phương mình.

Thực hiện tốt việc công bố, công khai thông tin nhất là các thông tin về quy hoạch của các ngành, các cấp; công khai quy trình, thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính khác liên quan người dân và doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được.

Bên cạnh đó, nỗ lực hơn nữa trong việc cung cấp những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như kênh thông tin tương tác online giữa doanh nghiệp và chính quyền. Đồng thời, tăng cường hơn nữa chất lượng, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm hạn chế tiêu cực, cắt giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp.

Quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, các sở, ban, ngành cần tổ chức lấy ý kiến của các doanh nghiệp nhằm nâng cao tính khả thi, đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Việc thanh, kiểm tra cũng cần chú trọng hơn; trong đó, không được để xảy ra trùng lắp nội dung thanh, kiểm tra.

Đối với việc đánh giá Bộ chỉ số DDCI tỉnh Hậu Giang năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với VCCI Cần Thơ rà soát, nghiên cứu bổ sung thêm một số đơn vị có các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp để đánh giá được toàn diện hơn. Đồng thời, nghiên cứu phân nhóm cụ thể để có thể đánh giá phù hợp với chức năng của các sở, ban, ngành tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu những chỉ số đặc thù để đánh giá cho từng sở ngành.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, điểm số DDCI sở, ban, ngành của Hậu Giang năm 2019 dao động trên 74 - 83 điểm/100 điểm phân thành nhóm khá và trung bình.

Trong khi đó, An Giang cũng khẳng định sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong thời gian tới.

Từ năm 2016-2019, chỉ số PCI tỉnh An Giang có sự cải thiện rõ rệt về điểm số và thứ hạng. Năm 2019, PCI tỉnh An Giang đạt 66,44 điểm, xếp thứ 21/63 tỉnh, thành (tăng 7 hạng) và đứng thứ 6/13 tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi xếp trên Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh.

Về xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế, qua 10 năm (từ 2010-2019) điều tra, khảo sát và công bố PCI, có 3 năm An Giang là tỉnh có đánh giá chất lượng điều hành “Tốt”, 6 năm đạt kết quả điều hành “Khá” và chỉ có 1 năm xếp vào nhóm điều hành “Trung bình”.

Để cải thiện nâng cao chỉ số PCI của An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang tiếp tục tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chỉ số PCI và năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, triển khai quy chế liên kết về đăng ký tài khoản cho doanh nghiệp, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi góp phần giảm chi phí và thời gian đi lại của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp. Cùng đó, triển khai Quy chế phối hợp thực hiện một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giảm tối đa thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

“An Giang cũng sẽ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, các nhân về việc thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; tiến hành khảo sát và công bố Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) trên địa bàn tỉnh theo quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt, tiến hành công bố năm 2021”, ông Bình thông tin.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho hay, tỉnh sẽ ban hành và triển khai thực hiện Đề án phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh An Giang giai đoạn 2020 – 2025; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần thuộc Khung Đề án “An Giang điện tử”; xây dựng chuyên trang thông tin tập trung của tỉnh về công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư; đặc biệt là các cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, môi trường, cơ hội đầu tư, các thông tin cơ bản và chi tiết về các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh để doanh nghiệp, nhà đầu tư truy cập, tìm hiểu.

Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh An Giang cũng tăng cường gặp gỡ, đối thoại với nhà đầu tư để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đã được chấp thuận đầu tư triển khai thuận lợi và hoạt động có hiệu quả, từ đó góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh…

Còn tại Cần Thơ, trong Phiên họp thường kỳ trực tuyến tháng 5/2020 của UBND thành phố ngày 4/6, ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, địa phương ngay trong tháng 6/2020 phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế -xã hội; đồng thời, bù đắp cho các lĩnh vực kinh tế bị sụt giảm trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo Chủ tịch Lê Quang Mạnh, các cấp, các ngành và địa phương cần huy động tất cả các nguồn lực để thực hiện tốt nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2020. Theo đó, tập trung hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thực hiện nghiêm các nghị quyết, nghị định, chỉ thị và hàng loạt các chính sách của Chính phủ ngay trong tháng 6/2020 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, các ngành lưu ý tập trung đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết các thủ tục đầu tư dự án theo đề xuất của doanh nghiệp; thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí chi thường xuyên cho các hội nghị, các hoạt động công tác trong và ngoài nước, tiếp tục tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên còn lại của năm 2020.

Các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công các công trình xây dựng cơ bản, ưu tiên cho các công trình đang thực hiện. Các ngành, các cấp, các chủ đầu tư xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời, kích thích và kích cầu đầu tư, tạo thêm công ăn việc làm và tiêu dùng cho thành phố... 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tính đến ngày 15/5, trên địa bàn thành phố có 705 cơ sở, doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp với tổng nguồn vốn đăng ký 3.281 tỷ đồng bị ảnh hưởng; trong đó, 359 cơ sở, doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động có thời hạn; 187 cơ sở, doanh nghiệp ngưng hoạt động; 45 cơ sở, doanh nghiệp giải thể; 114 cơ sở, doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh.

Thương mại dịch vụ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 518 cơ sở, doanh nghiệp và 101 chi nhánh với tổng nguồn vốn đăng ký trên 2.210 tỷ đồng. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có 179 cơ sở, doanh nghiệp bị ảnh hưởng với tổng vốn đăng ký trên 1.047 tỷ đồng. Lĩnh vực ít bị ảnh hưởng nhất là  nông nghiệp với 8 cơ sở, doanh nghiệp bị ảnh hưởng với nguồn vốn đăng ký 22,9 tỷ đồng...

Còn tỉnh Cà Mau đang phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 1,9 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu đề ra, UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng nhanh và bền vững.

Tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư sản xuất, phát triển thương hiệu, tham gia xuất khẩu các loại sản phẩm, hàng hóa chủ lực có lợi thế lớn như: tôm, cua, gạo, sản phẩm từ gỗ, chuối...; đồng thời chú trọng sử dụng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Tỉnh cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp, đổi mới công nghệ trong khai thác, sơ chế, bảo quản, chế biến…

Cùng với đó, khuyến khích người dân, doanh nghiệp áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào một số ngành công nghiệp hỗ trợ, may mặc, chế biến nông sản, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, định hướng, khuyến cáo người dân phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản có hiệu quả, đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác xuất khẩu mới, mở rộng thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, kết nối giao thương và tiếp cận nghiên cứu thị trường quốc tế; nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ.

Các sở, ngành tỉnh Cà Mau thường xuyên phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để nắm bắt diễn biến, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; rà soát nhu cầu nguyên liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu; tích cực khai thác cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực./.

Thu Hà (tổng hợp)