Bản Để In

Dự thảo mới ‘phân biệt đối xử’ nhà đầu tư trong nước?

(Chinhphu.vn) – Theo VCCI, chưa có trường hợp nào hạn chế quyền của nhà đầu tư trong nước hơn so với nhà đầu tư nước ngoài, trừ một số dịch vụ rất đặc thù như casino…

01/09/2018 02:20

Đây là quan điểm được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra khi góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng.

Ảnh minh họa

Trong công văn gửi Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, VCCI cho rằng việc dự thảo cho phép cơ sở giáo dục đại học có từ 51% vốn của nhà đầu tư nước ngoài trở lên được tự quyết định cơ cấu tổ chức trong khi đó các trường đại học tư thục khác lại không được, dường như chưa hợp lý, gây bất bình đẳng ngược và không rõ mục tiêu quản lý.

Xét bản chất thì hai loại cơ sở giáo dục này đều có nguồn gốc vốn từ tư nhân chỉ khác về quốc tịch của chủ sở hữu vốn (là nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước). Hơn nữa, trong mọi trường hợp thì quyền của nhà đầu tư trong nước cũng rộng hơn hoặc ít nhất là bằng quyền của nhà đầu tư nước ngoài, với mục tiêu chính sách là để bảo hộ hợp lý nhà đầu tư trong nước hoặc vì các lý do an ninh quốc phòng trật tự xã hội nhất định.

“Chưa có trường hợp nào hạn chế quyền của nhà đầu tư trong nước hơn so với nhà đầu tư nước ngoài, trừ một số dịch vụ rất đặc thù như casino…”, bà Nguyễn Thị Thu Trang từ Ban Pháp chế của VCCI nhận định.

Mặt khác, VCCI cho rằng điều kiện thành lập và cho phép thành lập cơ sở giao dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài là không hợp lý.

Theo quy định tại khoản 3 điều 1 dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 7 Luật) thì “cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thuộc sở hữu toàn bộ hoặc một phần của nhà đầu tư nước ngoài”, có nghĩa cơ sở giáo dục có bất kỳ số vốn nào của nhà đầu tư nước ngoài đều được xem là cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, cơ sở giáo dục có bất kì tỷ lệ vốn góp nào của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ phải xin cấp giấy  chứng nhận đầu tư mới đáp ứng điều kiện.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 24 Luật đầu tư 2014 lại quy định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51% sẽ áp dụng các điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước, có nghĩa không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.

Băn khoăn cơ cấu tổ chức

Một vấn đề khác là cơ cấu tổ chức của các trường. Theo quy định tại dự thảo thì trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận không có đại hội đồng cổ đông như trường tư thục vì lợi nhuận. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 điều 1 dự thảo thì sự khác nhau giữa hai trường đại học tư thục này chỉ là ở việc sử dụng phần lợi nhuận có được từ hoạt động đào tạo.

“Với tiêu chí phân biệt như vậy mà quy định trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận không có đại hội đồng cổ đông trong khi trường hoạt động vì lợi nhuận có cơ quan này dường như chưa hợp lý”, VCCI nêu quan điểm.

VCCI cũng cho rằng, theo quy định tại dự thảo thì trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận có cơ cấu tổ chức tương tự như một công ty cổ phần, cũng bao gồm các bộ phận như: đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát. Tuy nhiên, trường không phải là công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, mà là chủ thể hoạt động theo Luật này. Cách tiếp cận này dường như là chưa hợp lý.

Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định theo hướng thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận theo hướng cho phép chủ sở hữu thành lập doanh nghiệp theo pháp luật doanh nghiệp như thông thường, sau đó triển khai các hoạt động thành lập trường đại học theo Luật này.

Khi đó trường đại học sẽ là một sản phẩm kinh doanh của doanh nghiệp; cơ cấu tổ chức về chuyên môn của trường sẽ tuân thủ Luật này, còn cơ chế quản trị kinh doanh của doanh nghiệp chủ sở hữu trường thì sẽ tuân thủ pháp luật doanh nghiệp với quy định rất chi tiết về cơ cấu tổ chức, quản trị của công ty cổ phần.

VCCI cũng bày tỏ băn khoăn về quy định tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong dự thảo. Cụ thể là Dự thảo chưa làm rõ các vấn đề như các tổ chức tư nhân có quyền tham gia vào hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục không? Để được hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cần phải thực hiện các loại thủ tục nào và có giấy phép nào?

“Chú ý là “kiểm định chất lượng giáo dục” về bản chất là một dịch vụ kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư và theo điều 7 của Luật Đầu tư thì chỉ có văn bản cấp luật và nghị định mới có thể quy định về điều kiện kinh doanh”, VCCI lưu ý. 

Thanh Hằng